Ý kiến pháp lý là gì? Bộ Tư pháp có quyền từ chối cấp ý kiến pháp lý trong những trường hợp nào?
Ý kiến pháp lý là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về ý kiến pháp lý như sau:
Ý kiến pháp lý quy định tại Nghị định này là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
Bên cạnh đó tại Điều 9 Nghị định 51/2015/NĐ-CP quy định về hình thức và ngôn ngữ của ý kiến pháp lý như sau:
Hình thức và ngôn ngữ của ý kiến pháp lý
Ý kiến pháp lý được cấp dưới hình thức văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo đề nghị của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.
Theo quy định trên, ý kiến pháp lý là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
Và ý kiến pháp lý được cấp dưới hình thức văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo đề nghị của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý.
Ý kiến pháp lý (Hình từ Internet)
Bộ Tư pháp có quyền từ chối cấp ý kiến pháp lý trong những trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về từ chối cấp ý kiến pháp lý như sau:
Từ chối cấp ý kiến pháp lý
Bộ Tư pháp từ chối cấp ý kiến pháp lý đối với các trường hợp sau đây:
1. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp và hồ sơ cấp theo quy định tại Điều 7 và Điều 12 Nghị định này.
2. Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không được bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 hoặc Điều 14 Nghị định này.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về điều kiện cấp ý kiến pháp lý như sau:
Điều kiện cấp ý kiến pháp lý
Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;
2. Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định này và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 14 Nghị định này;
3. Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, Bộ Tư pháp có quyền từ chối cấp ý kiến pháp lý trong những trường hợp sau:
+ Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp và hồ sơ cấp theo quy định.
+ Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không được bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định.
Khi từ chối cấp ý kiến pháp lý thì Bộ Tư pháp có phải trả lời bằng văn bản không?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung ý kiến pháp lý như sau:
Sửa đổi, bổ sung ý kiến pháp lý
1. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản Điều 6 Nghị định này có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp trong trường hợp văn bản được cấp ý kiến pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung ý kiến pháp lý đã cấp, cơ quan, tổ chức gửi 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định này đến Bộ Tư pháp trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do yêu cầu.
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và cấp hoặc từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp có trả lời chính thức bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Theo quy định trên, khi từ chối cấp ý kiến pháp lý thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời chính thức bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Khi từ chối cấp ý kiến pháp lý thì Bộ Tư pháp phải thông báo đến những cơ quan nào?
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 51/2015/NĐ-CP về trách nhiệm của Bộ Tư pháp xem xét yêu cầu cấp ý kiến pháp lý như sau:
Trách nhiệm của Bộ Tư pháp xem xét yêu cầu cấp ý kiến pháp lý
1. Đảm bảo nội dung của ý kiến pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm cấp ý kiến pháp lý.
2. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Như vậy, khi từ chối cấp ý kiến pháp lý thì Bộ Tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý, và trong văn bản này có nêu rõ lý do từ chối.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.