Xử lý vi phạm khi không có mặt người đại diện pháp luật của tổ chức được quy định như thế nào?

Mình có xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, nhưng người đại diện cho tổ chức đó không có mặt hoặc không có ủy quyền cho cá nhân đại diện tổ chức đó thì có ra biên bản vi phạm hành chính rồi. Khi ra biên bản vi phạm hành chính có xác nhận của 02 người chứng kiến (người công ty, nhân viên của công ty) trở lên thì có căn cứ để thực hiện không. Mình đang muốn biết là sau khi 02 người chứng kiến ký vào biên bản vi phạm hành chính. Vì không có người đại diện pháp luật của tổ chức đó thì mình gửi biên bản vi phạm hành chính cho ai để người ta thực hiện các việc sau này.

Quy định về lập biên bản vi phạm hành chính khi không có mặt người đại điện pháp luật của tổ chức

Căn cứ quy định tại khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:

- Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

- Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:

+ Thời gian, địa điểm lập biên bản;

+ Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

+ Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;

+ Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;

+ Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

+ Quyền và thời hạn giải trình.

- Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

+ Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Theo quy định này, đối với trường hợp đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh mà không ký vào biên bản thì người có thẩm quyền vẫn có thể lập biên bản vi phạm hành chính và phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản. Do đó, trường hợp này người có thẩm quyền thực hiện trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức thông thường.

Tải về mẫu biên bản vi phạm hành chính mới nhất 2023: Tại Đây

Xử lý vi phạm khi không có mặt người đại điện pháp luật của tổ chức được quy định như thế nào?

Xử lý vi phạm khi không có mặt người đại điện pháp luật của tổ chức được quy định như thế nào?

Quy định về gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

Căn cứ Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành như sau:

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

- Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

- Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Theo quy định này, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gửi cho tổ chức bị xử phạt. Quy định này không được hướng dẫn cụ thể việc gửi cho tổ chức được thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, theo nguyên tắc người đại diện theo pháp luật của tổ chức có trách nhiệm thay mặt, đại diện tổ chức thực hiện nghĩa vụ của tổ chức. Do đó, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt chỉ cần gửi quyết định cho tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức có trách nhiệm nhận và thi hành quyết định để thực hiện nghĩa vụ, hành vi hành chính của tổ chức.

Do đó, đối với trường hợp khi gửi qua bưu điện bạn chỉ cần ghi người nhận là tổ chức vi phạm hành chính mà không cần xác định người đại diện hay phòng pháp chế của tổ chức. Thời điểm được coi là quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được giao xác định như sau: sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Quy định thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

(1) Căn cứ Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

(2) Căn cứ quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

- Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

+ Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;

+ Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật này.

- Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

+ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

+ Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

+ Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Như vậy, trường hợp tổ chức cố tình trốn tránh không thi hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật. bao gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

6,037 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào