Xử lý trường hợp tài sản chưa xác định được chủ sở hữu như thế nào? Bán tài sản vô chủ là cổ vật đào được có bị phạt không?

Em có 1 người bạn vô tình đào được cổ vật nhưng do kém hiểu biết nên bán sắt vụn chỉ được 2 triệu đồng. Trước khi bán có người chụp ảnh được và chuyển đến công an xã xem. Công an xã đã mời bố bạn em lên để lấy thông tin và chưa có kết luận đó là vật gì, em nghe bảo còn chuyển lên trên để người có chuyên môn về giám định. Cho em hỏi trường hợp này nếu là đồ cổ thì bị xử lý thế nào?

Tài sản nào được xác định là tài sản vô chủ và ai có quyền sở hữu?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP thì:

"Điều 3. Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân
...
2. Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm:
a) Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ).
b) Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên).
c) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm).
d) Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế).
đ) Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng)."

Như vậy đối với tài sản bị chôn vùi thì được xem là tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Theo đó tại Điều 198 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người có quyền đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân như sau:

"Điều 198. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
2. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân."

Như vậy nếu vô tình đào được tài sản bị chôn vùi dưới đất không quan trọng giá trị tài sản là bao nhiêu, thì đó đều là sở hữu toàn dân được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó.

Xử lý trường hợp tài sản chưa xác định được chủ sở hữu như thế nào? Bán tài sản vô chủ là cổ vật đào được có bị phạt không?

Xử lý trường hợp tài sản chưa xác định được chủ sở hữu như thế nào? Bán tài sản vô chủ là cổ vật đào được có bị phạt không? (Hình từ Internet)

Đào được tài sản vô chủ thì xử lý như thế nào cho đúng?

Khi đào được tài sản vô chủ bị chôn, giấu dưới đất thì người tìm thấy phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 29/2018/NĐ-CP như sau:

"Điều 21. Tiếp nhận, xử lý thông tin về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm
1. Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan, người có thẩm quyền sau đây:
a) Cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm thuộc khu vực quân sự.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự.
c) Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi gần nhất đối với tài sản bị chìm đắm không thuộc khu vực quân sự.
Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm chịu trách nhiệm về thông tin đã thông báo."

Như vậy khi đào được tài sản bị chôn vùi dưới đất thì người tìm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định trên.

Bán tài sản vô chủ là cổ vật bị chôn giấu dưới đất thì bị xử phạt như thế nào?

Khi phát hiện tài sản vô chủ là cổ vật không giao nộp, ngược lại còn chiếm giữ, mua bán trao đổi bất hợp pháp thì có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cụ thể, theo quy định tại điểm đ khoản 7 và điểm d khoản 9 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:

"Điều 20. Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa
...
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
đ) Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
...
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 5, điểm c khoản 6, điểm d và điểm đ khoản 7 Điều này;"

Lưu ý: Căn cứ Điều 5 Nghi định 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Bên cạnh đó nếu nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (Được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu như sau:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Việc làm sao để không phải chịu trách nhiệm pháp lý như trên thì hiện tại chúng tôi không thể hỗ trợ được, tốt nhất là bạn này nên phối hợp với bên cơ quan giải quyết vụ việc để có tình tiết giảm nhẹ.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

5,882 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào