Xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu thuộc về trách nhiệm của ai?
Xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu thuộc về trách nhiệm của ai?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Hóa chất 2007 quy định như sau:
"Điều 59. Trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê, phát hiện và thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về địa điểm, số lượng hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu tại địa phương mình.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu.
3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện phương án xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu; Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, theo dõi việc xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Tổ chức, cá nhân có hóa chất độc tồn dư, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu chịu toàn bộ chi phí xử lý.
5. Trường hợp hóa chất độc không rõ nguồn gốc, hóa chất độc không xác định được chủ sở hữu hoặc hóa chất độc bị tịch thu nhưng chủ sở hữu không có khả năng tài chính để xử lý thì chi phí xử lý được lấy từ ngân sách nhà nước."
Do đó, xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu thuộc về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan.
Hóa chất độc
Trường hợp sản xuất, kinh doanh sử dụng và bảo quản hóa chất độc cần phải đáp ứng những yêu cầu gì theo quy định?
Theo tiểu mục 10 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT về An toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm
"10. Yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh sử dụng và bảo quản hóa chất độc
Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất độc phù hợp với tiêu chí ghi nhãn tương ứng một trong các hình đồ cảnh báo GHS06, GHS07, GHS08. GHS09 (sau đây gọi tắt là hóa chất độc) phải tuân thủ các quy định sau:
10.1. Điều kiện về trang thiết bị, nhà xưởng, kho chứa hóa chất độc
10.1.1. Cơ sở phải giám sát quy trình xuất, nhập hóa chất, lập phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc đảm bảo quản lý chính xác về khối lượng hóa chất độc chứa trong kho.
10.1.2. Máy, thiết bị, ống dẫn hóa chất độc phải bảo đảm bền và kín, các ống dẫn khí phải được thiết kế đảm bảo hạn chế tối đa các chỗ nối, chờ, nối dự phòng.
10.1.3. Nơi có hóa chất độc phải có tín hiệu báo động về tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, báo hiệu các công đoạn sản xuất đặc biệt.
10.1.4. Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức để đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo quy định pháp luật hiện hành.
10.1.5. Thiết bị chứa hóa chất độc dễ bay hơi, dễ sinh bụi phải đảm bảo kín, chỉ được đặt tại các khu vực được quy định theo quy trình sản xuất.
10.1.6. Hóa chất độc phải bảo quản trong kho có tường và nền không thấm nước, không bị ảnh hưởng của lũ lụt, xa nơi đông dân cư, kho phải có khóa bảo đảm, chắc chắn.
10.1.7. Khu vực chứa hóa chất độc phải có hệ thống bờ, rãnh thu gom; hệ thống thu gom có dung tích chứa tối thiểu bằng 110% tổng thể tích hàng hóa;
10.2. Yêu cầu khi làm việc tiếp xúc với hóa chất độc
10.2.1. Khi tiếp xúc với hóa chất độc, phải có mặt nạ phòng độc. Mặt nạ phòng độc phải được lựa chọn theo khuyến cáo của nhà sản xuất hóa chất tại MSDS của hóa chất đó.
10.2.2. Khi tiếp xúc với bụi độc phải được trang bị khẩu trang chống bụi, quần áo bảo vệ chống hơi bụi, giày, găng tay phù hợp. Khi tiếp xúc với chất lỏng độc phải che kín cơ thể.
Phương tiện bảo vệ cá nhân phải để trong tủ kín được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và định kỳ kiểm tra điều kiện sử dụng.
10.2.3. Trong quá trình sản xuất hóa chất độc, khi lấy mẫu hóa chất độc trong thiết bị áp lực cao, phải dùng máy giảm áp để giảm áp lực. Các thiết bị sản xuất, sử dụng hóa chất độc dạng lỏng phải có thiết bị đo mức hóa chất.
10.2.4. Không được tiếp xúc trực tiếp hóa chất độc. Các dụng cụ cân, đong hóa chất độc sau khi đã dùng phải được vệ sinh sạch sẽ.
10.2.5. Trước khi đưa người vào làm việc ở nơi kín, có hóa chất độc phải kiểm tra nồng độ hóa chất độc trong không khí, khử độc bằng biện pháp phù hợp, đảm bảo nồng độ chất độc còn lại nhỏ hơn nồng độ giới hạn cho phép tiếp xúc hoặc trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp. Khi làm việc ở những khu vực này, phải có ít nhất 02 người để báo động, cấp cứu kịp thời khi xảy ra sự cố.
10.2.6. Khu vực san chiết, đóng gói lại phương tiện chứa phải thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn hoặc có trang bị hệ thống hút hơi khí độc.
10.2.7. Khi sử dụng các phương tiện cân đong hóa chất độc phải đảm bảo không làm rơi vãi hoặc phát tán bụi ra không khí."
Như vậy, trong sản xuất, kinh doanh sử dụng và bảo quản hóa chất độc cần phải đáp ứng những yêu cầu nêu trên.
Việc kiểm soát mua, bán hóa chất độc được pháp luật quy định ra sao?
Căn cứ Điều 23 Luật Hóa chất 2007 quy định như sau:
"Điều 23. Kiểm soát mua, bán hóa chất độc
1. Việc mua, bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.
2. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng.
3. Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
4. Bộ Công thương quy định mẫu phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc."
Đặt câu hỏi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.