Xóa chấp tài sản là gì? Điều kiện để được xóa chấp tài sản đã đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định hiện nay là gì?
Xóa chấp tài sản là gì?
Căn cứ theo các quy định về thế chấp tài sản tại Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Xóa chấp tài sản hay còn được gọi là giải chấp tài sản (hoặc giải thế chấp tài sản, xóa thế chấp tài sản), được hiểu là việc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (chấm dứt thế chấp tài sản), giải trừ thế chấp tài sản mà trước đó tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cụ thể nào đó (việc thế chấp tài sản đã được đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền).
Ví dụ như trường hợp xóa thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng khi vay vốn, người vay dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản nợ đã vay. Khi bên vay đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì sẽ làm thủ tục xóa thế chấp (chấm dứt thế chấp) cho quyền sử dụng đất đã đem ra thế chấp cho ngân hàng.
Xóa chấp tài sản (Hình từ Internet)
Điều kiện để được xóa chấp tài sản đã đăng ký biện pháp bảo đảm là gì?
Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Việc xóa chấp tài sản (xóa biện pháp bảo đảm đã đăng ký) được quy định chung tại Điều 20 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, trong đó người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể như sau:
Xóa đăng ký
1. Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm;
b) Toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm bị chấm dứt;
c) Toàn bộ nội dung hoặc một phần nội dung hợp đồng bảo đảm bị hủy bỏ mà nội dung bị hủy bỏ có biện pháp bảo đảm đã được đăng ký;
d) Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm;
đ) Tài sản bảo đảm không còn do được góp vốn vào pháp nhân thương mại hoặc pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội; được thay thế, chuyển nhượng, chuyển giao, hợp nhất, sáp nhập, trộn lẫn; được chế biến dưới hình thức lắp ráp, chế tạo hoặc hình thức khác; bị thu hồi, tiêu hủy, tổn thất toàn bộ, phá dỡ, tịch thu hoặc thuộc trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan.
Tài sản bảo đảm không còn thuộc trường hợp quy định tại điểm này mà có tài sản mới phát sinh hoặc có tài sản mới thay thế và tài sản này được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc theo quy định của pháp luật thì không thực hiện xóa đăng ký mà thực hiện đăng ký thay đổi theo trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 18 Nghị định này;
e) Tài sản bảo đảm đã được xử lý xong bởi bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoặc đã được xử lý xong bởi cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
g) Tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm đang là tài sản bảo đảm nhưng Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp tài sản thuộc điểm này mà có tài sản mới phát sinh hoặc có tài sản mới thay thế, được trao đổi do Nhà nước bồi thường về tài sản gắn liền với đất thì thực hiện đăng ký theo quy định tại điểm đ khoản này;
h) Tài sản bảo đảm là tàu bay không còn đăng ký quốc tịch Việt Nam;
i) Tài sản bảo đảm là cây hằng năm được thu hoạch, là công trình tạm bị phá dỡ mà nội dung đã được đăng ký không bao gồm hoa lợi hoặc tài sản khác có được từ việc thu hoạch cây hằng năm hoặc có được từ phá dỡ công trình tạm;
k) Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất là tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài và không chuyển giao quyền nhận bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định khác;
l) Bên nhận bảo đảm là pháp nhân bị giải thể theo quy định của pháp luật;
m) Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có nội dung về việc yêu cầu cơ quan đăng ký thực hiện xóa đăng ký;
n) Đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất đã được chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, thế chấp tài sản khác gắn liền với đất quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 5 Điều 26 Nghị định này.
...
Cũng theo Điều 8 Nghị định 99/2022/NĐ-CP thì: Người yêu cầu đăng ký bao gồm bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm; Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký (sau đây gọi là doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản).
Như vậy, nếu thuộc một trong những trường hợp trên thì bên thế chấp, bên nhận thế chấp tài sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được nộp hồ sơ xóa thế chấp tài sản (xóa biện pháp bảo đảm).
Một trong những trường hợp được xóa chấp tài sản là khi toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm bị chấm dứt (nghĩa vụ đã được bên thế chấp hoàn tất).
Thủ tục xóa chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất như thế nào?
Căn cứ theo các quy định tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP, thì việc xóa chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất thực hiện như sau:
Trình tự thực hiện:
- Nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai (Văn phòng hoặc là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai) thông qua hình thức trực tuyển; nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp đến Văn phòng hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc qua hộp thư điện tử.
- Thời hạn giải quyết hồ sơ và trả kết quả là không quá 3 ngày tính từ thời điểm Văn phòng đăng ký đất đai nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ (khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Hồ sơ xóa đăng ký, gồm:
- Phiếu yêu cầu theo Mẫu số 03a tại Phụ lục (01 bản chính).
- Giấy chứng nhận (bản gốc) trong trường hợp tài sản bảo đảm có Giấy chứng nhận.
- Trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký không phải là bên nhận bảo đảm và trên Phiếu yêu cầu không có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm thì ngoài giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn nộp thêm giấy tờ, tài liệu sau đây (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực):
+ Văn bản có nội dung thể hiện việc bên nhận bảo đảm đồng ý xóa đăng ký hoặc xác nhận về việc hợp đồng bảo đảm đã chấm dứt, đã được thanh lý hoặc xác nhận về việc giải chấp trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên bảo đảm;
+ Hợp đồng hoặc văn bản khác đã có hiệu lực pháp luật chứng minh việc chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là người nhận chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
+ Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã có hiệu lực pháp luật hoặc Văn bản xác nhận kết quả thi hành án trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên hoặc người yêu cầu xóa đăng ký là người mua tài sản bảo đảm trong xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền có nội dung về việc bên nhận bảo đảm là tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài trong trường hợp xóa đăng ký quy định tại điểm k khoản 1 Điều 20 Nghị định này;
+ Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc giải thể pháp nhân trong trường hợp xóa đăng ký quy định tại điểm l khoản 1 Điều 20 Nghị định này.
(Điều 33 Nghị định 90/2022/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.