Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ bị phạt có đúng không? Những yêu cầu về gương chiếu hậu đối với xe gắn máy như thế nào?
Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ bị phạt có đúng không?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và được áp dụng từ 01/01/2022 và cho đến hiện tại thì không có bất cứ quy định nào mới được ban hành về việc xử phạt vi phạm đối với lỗi xe máy không có gương chiếu hậu bên phải.
Cụ thể theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
...
Đối chiếu quy định trên thì hiện chỉ có quy định xử phạt đối với xe máy tham gia giao thông mà không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn sẽ bị xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Như vậy, việc xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị xử phạt vì không có quy định.
Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ bị phạt có đúng không? Những yêu cầu về gương chiếu hậu đối với xe gắn máy như thế nào? (Hình từ Internet)
Những yêu cầu về gương chiếu hậu đối với xe gắn máy như thế nào?
Căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư 67/2015/TT-BGTVT yêu cầu về gương chiếu hậu đối với xe gắn máy sẽ bao gồm:
- Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.
Trong đó:
+ Nhóm L1: Xe gắn máy hai bánh;
+ Nhóm L2: Xe gắn máy ba bánh;
+ Nhóm L3: Xe mô tô hai bánh;
+ Nhóm L4: Xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên);
+ Nhóm L5: Xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.
Trong QCVN 14:2015/BGTVT cũng có nói rõ về xe gắn máy và xe mô tô như sau:
- Xe gắn máy: Phương tiện chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3, nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW.
- Xe mô tô: Phương tiện chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh (không bao gồm các xe được định nghĩa là xe gắn máy) và đối với xe ba bánh có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.
- Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe là loại gương phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT.
- Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái.
- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
Như vậy, đối với gương chiếu hậu trên xe gắn máy phải đảm bảo được gương phải có kích thước tiêu chuẩn đúng theo quy định để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Chạy xe máy không có gương chiếu hậu mà còn đứng cổ vũ đua xe thì có phải là hành vi bị nghiêm cấm không?
Căn cứ tại khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
3. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
4. Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
5. Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.
6. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
7. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
9. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.
Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.
10. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
...
Như vậy, đối chiếu quy định trên thì việc chạy xe máy không có gương chiếu hậu mà còn đứng cổ vũ đua xe là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.