Xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Quy hoạch tài nguyên nước được lập theo nguyên tắc nào?
- Xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
- Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt tổ chức xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước không?
Quy hoạch tài nguyên nước được lập theo nguyên tắc nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Tài nguyên nước 2012, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 về nguyên tắc lập quy hoạch về tài nguyên nước như sau:
Nguyên tắc lập quy hoạch về tài nguyên nước
1. Việc lập quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm tính toàn diện giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
b) Bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu;
c) Bảo đảm dựa trên kết quả của hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.
2. Việc lập quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia phải tuân thủ thỏa thuận giữa các quốc gia có chung nguồn nước và các nguyên tắc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước mâu thuẫn với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh đã được phê duyệt thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tài nguyên nước.
Theo đó, việc lập quy hoạch tài nguyên nước được thực hiện theo những nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 16 nêu trên.
Công trình khai thác nước (Hình từ Internet)
Xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước thì tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Theo điểm a khoản 7, điểm b khoản 9 Điều 29 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm c khoản 12 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định khác về quản lý tài nguyên nước như sau:
Vi phạm các quy định khác về quản lý tài nguyên nước
...
7. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước;
b) Không thực hiện quyết định hạn chế khai thác nước dưới đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc phá dỡ, di dời công trình đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 7 Điều này.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, tổ chức xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Đồng thời tổ chức vi phạm còn bị buộc phá dỡ, di dời công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt tổ chức xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước không?
Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Như vậy, tổ chức xây dựng công trình khai thác nước trái quy hoạch tài nguyên nước thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 500.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt tổ chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.