Xây dựng bến xe khách trái phép thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Để thành lập bến xe khách thì nơi đặt bến cần phải có diện tích mặt bằng tối thiểu là bao nhiêu mét vuông?
Việc phân loại bến xe khách được quy định tại tiểu mục 2.3 Phần II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách Sửa đổi lần 1 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư 73/2015/TT-BGTVT quy định như sau:
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Quy định chung
2.1.11. Các bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 phải được công bố công suất của bến xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2.3. Quy định về diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình
2.3.1. Phân loại bến xe khách.
Bến xe khách được phân thành 6 loại. Quy định về các hạng mục công trình tương ứng với từng loại bến xe khách như trong Bảng sau:
...
Theo quy định vừa nêu thì bến xe khách hiện nay được chia thành 06 loại, tùy vào loại bến xe khách muốn mở mà diện tích mặt bằng tối thiểu để mở bến xe sẽ khác nhau, cụ thể:
- Loại 1: 15.000 m2;
- Loại 2: 10.000 m2;
- Loại 3: 5.000 m2;
- Loại 4: 2.500 m2;
- Loại 5: 1.500 m2;
- Loại 6: 500 m2.
Ngoài diện tích mặt bằng ra thì nơi đặt bến xe còn cần đáp ứng được về diện tích bãi đỗ xe ôtô chờ vào vị trí đón khách (tối thiểu), diện tích bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác và diện tích tối thiểu phòng chờ cho hành khách (có thể phân thành nhiều khu vực trong bến).
Bên cạnh đó, chủ bến xe cần đảm bảo một số yêu cầu về số vị trí đón, trả khách (tối thiểu), số chỗ ngồi tối thiểu khu vực phòng chờ cho hành khách, hệ thống điều hòa, quạt điện khu vực phòng chờ cho hành khách (tối thiểu),...và một số yêu cầu khác theo quy định vừa nêu trên.
Xây dựng bến xe khách trái phép thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị công bố bến xe khách đưa vào khai thác mới nhất hiện nay?
Đơn vị khai thác bến xe khách nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố đưa bến xe khách vào khai thác đến Sở Giao thông vận tải địa phương nơi bến xe khách được xây dựng (nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính) theo quy định tại tiết 3.1.2.1 tiểu mục 3.1 Phần III Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách Sửa đổi lần 1 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư 73/2015/TT-BGTVT.
Hồ sơ đề nghị công bố bến xe khách đưa vào khai thác sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị công bố đưa bến xe khách vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của QCVN 45:2012/BGTVT TẢI VỀ;
- Văn bản chấp thuận đấu nối đường ra, vào bến xe khách với đường bộ của cơ quan có thẩm quyền;
- Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể bến xe khách;
- Quyết định cho phép đầu tư xây dựng của cơ quan có thẩm quyền và biên bản nghiệm thu xây dựng;
- Bản đối chiếu các quy định kỹ thuật của bến xe khách theo Phụ lục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách Sửa đổi lần 1 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư 73/2015/TT-BGTVT TẢI VỀ;
- Quy chế quản lý khai thác bến xe khách do đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách ban hành.
Chậm nhất trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra theo các tiêu chí phân loại bến xe khách và lập biên bản kiểm tra.
Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu bến xe khách không đáp ứng đúng các tiêu chí thì phải ghi rõ các nội dung không đạt trong biên bản kiểm tra và phải thông báo ngay cho đơn vị khai thác bến xe.
Nếu bến xe khách đáp ứng đúng các quy định kỹ thuật của loại bến xe khách mà đơn vị khai thác bến xe đề nghị thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Sở Giao thông vận tải quyết định công bố đưa bến xe khách vào khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 QCVN 45:2012/BGTVT TẢI VỀ.
- Quyết định công bố đưa bến xe khách vào khai thác có giá trị trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký.
Xây dựng bến xe khách trái phép thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ra sao?
Việc xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe khách được quy định tại Điều 14 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Sửa đổi bởi điểm s khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định;
b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Như vậy, đối với trường hợp xây dựng bến xe khách trái phép (chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định) thì mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân xây dựng bến xe khách trái phép.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức xây dựng bến xe khách trái phép.
Ngoài mức xử phạt nêu trên thì cá nhân, tổ chức còn buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.