Xâm phạm quyền bình đẳng giới khi cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội bị xử phạt như thế nào?
- Bình đẳng giới và định kiến giới được hiểu như thế nào?
- Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được pháp luật quy định như thế nào?
- Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
- Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Bình đẳng giới và định kiến giới được hiểu như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 giải thích bình đẳng giới như sau:
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Theo khoản 4 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 giải thích bình đẳng giới như sau:
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 11 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị như sau:
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Như vậy, nam và nữ bình bình đẳng với nhau trong lĩnh vực chính trị và được bảo đảm tỷ lệ nam nữ thích đáng trong việc bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước.
Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 125/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến chính trị như sau:
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến chính trị
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;
c) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
d) Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.
...
Như vậy, hành vi cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 3.000.000 đồng.
Cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới như sau:
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hành vi cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phat:
_ Khung hình phạt thứ nhất: phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
_ Khung hình phạt thứ hai: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
_ Ngoài ra, người cố ý tuyên truyền sai sự thật để cản trở đại biểu nữ ứng cử đại biểu Quốc hội vì định kiến giới còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.