Cầm dao đe dọa giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự không? Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định như thế nào?

Tôi muốn hỏi trường hợp cầm dao đe dọa giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì mức xử phạt được quy định như thế nào? Cụ thể sự việc như sau: Cha tôi và em trai tôi đang dọn dẹp làm việc trong nhà thì có ông kia cầm dao vào nhà tôi chửi bới, đe dọa và miệng đòi chém giết cha tôi. Trong lúc ông kia cầm dao lao qua cổng tiến đến gần sân nhà tôi thì cha tôi hoảng loạn liền cúi xuống lấy đất đá thanh gỗ ném về phía ông kia. Rồi ông kia cũng sợ đi thụt lùi để về thì vấp ngã văng cây dao ra. Sau đó ông ta vẫn đứng dậy cầm lấy cây dao ra về. Nhưng ông ta kêu bị gãy tay rồi làm giám định sức khỏe và kiện cha tôi đánh ông gãy tay. Cha tôi là bệnh nhân tâm thần, vậy thì có bị xử lý vi phạm gì không?

Hành vi đe dọa giết người được hiểu như thế nào?

Giết người được xem là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người, nhưng dù với bất kỳ lý do nào thì hành vi giết người đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong đó hành vi đe dọa giết người cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Đe dọa giết người là hành vi mà người phạm tội sử dụng những hành vi, lời nói, hành động để khiến làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Hành vi này khiến cho người bị đe dọa sẽ tin rằng mình sẽ bị giết vào thời gian đó. Đe dọa giết người là một trong những tội danh xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và danh dự của người khác được pháp luật bảo vệ.

Cầm dao đe dọa giết người 

Hành vi đe dọa giết người sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trong trường hợp này thì để xác định đúng và rõ các hành vi vi phạm và mức phạt thì cần có nhiều yếu tố liên quan như hoàn cảnh, hành vi, hậu quả cũng như lỗi của các bên. Việc xác định này dựa vào cơ quan điều tra. Do đó, nếu vụ việc được đưa ra Tòa án thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập chứng cứ cũng như thông tin, bằng chứng mà hai bên cung cấp để Tòa án đưa ra quyết định cuối cùng.

Về quy định chung thì đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm của người khác của ông kia có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể quy định:

"Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
..."

Theo quy định trên nếu người này có những lời lẽ xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của cha bạn thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Về hành vi đe dọa giết bố bạn thì tùy theo tình hình cũng như kết luận của cơ quan điều tra mà có ông kia có thể bị quy vào hành vi đe dọa giết người và bị xử theo Điều 133 Bộ Luật Hình sự 2015:

"Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác."

Người mắc bệnh tâm thần có bị xử lý vi phạm về hành vi gây thương tích cho người khác không?

Đối với bố bạn thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác định mức độ tâm thần, vì theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật Hình sự 2015 thì khi người mắc bệnh tâm thần sẽ không chịu trách nhiệm hình sự:

"Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."

Đối với trách nhiệm dân sự thì nếu xác định lỗi trong tình huống gây gãy tay do bố bạn gây ra thì bố bạn vẫn chịu trách nhiệm dân sự, vì nếu bị mất năng lực hành vi vi dân sự thì sẽ do người giám hộ bồi thường theo quy định tại khoản 3 Điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

"Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
...
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường."
MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

13,776 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào