Xác định doanh thu cho thuê tài sản tính thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân như thế nào?
- Xác định doanh thu cho thuê tài sản tính thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân như thế nào?
- Cá nhân cho thuê tài sản nhưng thế nào thì không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng?
- Bên thuê tài sản chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả tiền thuê trong thời gian chậm trả không?
Xác định doanh thu cho thuê tài sản tính thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân như thế nào?
Xác định doanh thu cho thuê tài sản tính thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân như thế nào, thì căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
Phương pháp tính thuế đối với một số trường hợp đặc thù
1. Cá nhân cho thuê tài sản
a) Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ. Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo hướng dẫn tại khoản này gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.
b) Cá nhân cho thuê tài sản khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán (từng lần phát sinh kỳ thanh toán được xác định theo thời điểm bắt đầu thời hạn cho thuê của từng kỳ thanh toán) hoặc khai thuế theo năm dương lịch. Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
...
Và căn cứ Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
1. Doanh thu tính thuế
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...
3. Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
...
Đối với cá nhân cho thuê tài sản, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được tính trên cơ sở doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản x tỷ lệ thuế suất.
Khác với doanh nghiệp, cá nhân không áp dụng cách tính thuế bằng phương pháp doanh thu - chi phí.
Do đó, trường hợp doanh thu trên hợp đồng cho thuê tài sản là 50 triệu đồng/tháng thì phải tính thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng trên cơ sở doanh thu trên hợp đồng (còn 3 triệu mà anh đề cập bản chất là chi phí phát sinh, chi phí này không tính trừ khi xác định thuế của hoạt động cho thuê tài sản).
Thuế TNCN, thuế GTGT (Hình từ Internet)
Cá nhân cho thuê tài sản nhưng thế nào thì không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng?
Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC thì cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.
Bên thuê tài sản chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả tiền thuê trong thời gian chậm trả không?
Thì căn cứ theo khoản 4 Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Trả lại tài sản thuê
1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
2. Trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp tài sản thuê là gia súc thì bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
4. Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
Theo đó, khi bên thuê tài sản chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.