Website đấu giá trực tuyến là gì? Thông báo đấu giá hàng hóa tại website đấu giá trực tuyến gồm những nội dung nào?
Website đấu giá trực tuyến là gì?
Website đấu giá trực tuyến được quy định tại Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:
Giải thích từ ngữ
...
8. Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
...
11. Website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
...
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định:
Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
...
2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
b) Website đấu giá trực tuyến;
c) Website khuyến mại trực tuyến;
d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
...
Theo đó, Website đấu giá trực tuyến được hiểu là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
Website đấu giá trực tuyến là gì? (Hình từ Internet)
Hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến phải có các chức năng tối thiểu nào?
Yêu cầu về hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến được quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Yêu cầu về hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến
1. Hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến phải có các chức năng tối thiểu sau:
a) Ghi nhận và lưu trữ mọi mức giá được trả trong một cuộc đấu giá;
b) Sau thời điểm bắt đầu một cuộc đấu giá, cứ 30 (ba mươi) giây một lần hiển thị trên website mức giá cao nhất được ghi nhận và người trả mức giá đó để mọi bên tham gia cuộc đấu giá có thể xem được.
2. Trường hợp hệ thống không cho phép người tham gia đấu giá rút lại giá đã trả, hệ thống phải có thông báo rõ ràng đối với người tham gia đấu giá về việc này ngay trước thời điểm đấu giá. Thông báo phải nêu cụ thể trách nhiệm của người tham gia đấu giá trong trường hợp trả giá nhưng không mua hàng.
Theo đó, hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến phải có các chức năng tối thiểu sau đây:
- Ghi nhận và lưu trữ mọi mức giá được trả trong một cuộc đấu giá;
- Sau thời điểm bắt đầu một cuộc đấu giá, cứ 30 (ba mươi) giây một lần hiển thị trên website mức giá cao nhất được ghi nhận và người trả mức giá đó để mọi bên tham gia cuộc đấu giá có thể xem được.
Thông báo đấu giá hàng hóa tại website đấu giá trực tuyến gồm những nội dung nào?
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì thông báo đấu giá hàng hóa được thực hiện tại website đấu giá trực tuyến và phải bao gồm các nội dung sau:
(1) Thời gian bắt đầu tiến hành đấu giá.
(2) Thời gian kết thúc đấu giá.
(3) Thông tin liên hệ của người bán.
(4) Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa.
(5) Giá khởi điểm.
(6) Mức giá chấp nhận bán, nếu có.
(7) Thời hạn và phương thức thanh toán.
(8) Thời hạn và phương thức giao hàng cho người mua sau khi đấu giá kết thúc.
(9) Trường hợp đối tượng đấu giá là hàng hóa phải đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật, thông báo đấu giá hàng hóa phải bao gồm thêm các nội dung sau:
- Thời gian và địa điểm trưng bày hàng hóa;
- Thời gian và địa điểm tham khảo hồ sơ hàng hóa;
- Thời gian và địa điểm đăng ký mua hàng hóa;
- Thời gian và cách thức tiến hành thủ tục chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa.
Người bán trên website đấu giá trực tuyến không được bán những loại hàng hóa nào?
Trách nhiệm của người bán trên website đấu giá trực tuyến được quy định tại Điều 47 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:
Trách nhiệm của người bán trên website đấu giá trực tuyến
1. Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa được bán đấu giá.
2. Công bố giá khởi điểm; mức giá chấp nhận bán, nếu có.
3. Chịu trách nhiệm về chất lượng, quy cách của hàng hóa được bán đấu giá.
4. Giải quyết các khiếu nại của người mua về hàng hóa được bán đấu giá.
5. Không bán hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp hoặc đang có tranh chấp.
6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định trên thì người bán trên website đấu giá trực tuyến không được bán hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp hoặc đang có tranh chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.