Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn hạn chế quyền thăm nom con của người còn lại sẽ bị xử phạt như thế nào?
Sau ly hôn vợ hoặc chồng có được hạn chế quyền thăm nom con của người còn lại không?
Căn cứ theo Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn như sau:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
Như vậy theo quy định pháp luật thì người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, nếu như người này lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con vẫn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó bạn nhé.
Theo đó, nếu bạn không thuộc trường hợp ngoại lệ nêu trên thì chồng bạn hay bất cứ ai cũng không có quyền cản trở bạn đến thăm con. Nếu vi phạm thì bạn có quyền báo cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt hành vi trên hoặc nộp đơn yêu cầu thi hành án để yêu cầu chồng bạn phải thi hành đúng phán quyết của tòa án để bạn được thăm nom con cái.
Hạn chế quyền thăm nom con (Hình từ Internet)
Đơn yêu cầu thi hành án để không bị hạn chế quyền thăm nom con cần phải có những nội dung nào?
Căn cứ theo Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014) quy định về việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án như sau:
"Điều 31. Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án
...
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có."
Như vậy, đơn yêu cầu thi hành án phải bao gồm những nội dung chính nêu trên.
Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn ngăn cản người còn lại thăm nom con sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau:
"Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau."
Như vậy, nếu chồng bạn sau khi ly hôn hạn chế quyền thăm nom con của bạn thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.