Vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu có bị phạt không? Quyền bình đẳng giữa vợ, chồng được quy định thế nào?
Vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu có bị phạt không?
Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 4 Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý như sau:
Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Theo quy định trên, trường hợp vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi việc cấm đoán này nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với người chồng.
Và nếu rơi vào trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời người vợ có hành vi vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai khi người chồng có yêu cầu.
Vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu có bị phạt không? Quyền bình đẳng giữa vợ, chồng được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính người vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu nhằm mục đích cô lập chồng không?
Theo khoản 1 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, nếu vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu nhằm mục đích cô lập chồng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa là 10.000.000 đồng.
Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi nêu trên.
Quyền bình đẳng giữa vợ, chồng được quy định thế nào?
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng như sau:
Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Như vậy, quyền bình đẳng giữa vợ, chồng được thể hiện ở việc vợ chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.
Và bình đẳng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.