Viện kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố khi nào? Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ những nội dung gì?
Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố khi nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về đình chỉ vụ án như sau:
Đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự.
...
Theo đó, Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ quy định sau:
- Tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
...
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
- Tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 cụ thể:
Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
- Hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Hoặc có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố (Hình từ Internet)
Quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố phải ghi rõ những nội dung gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về đình chỉ vụ án như sau:
Đình chỉ vụ án
...
2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Theo quy định trên, quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
- Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành quyết định đình chỉ vụ án hình sự;
- Căn cứ ban hành quyết định đình chỉ vụ án hình sự;
- Nội dung của quyết định đình chỉ vụ án hình sự;
- Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đóng dấu.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Việc giao, gửi, thông báo quyết định đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố thực hiện như thế nào?
Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP có quy định hướng dẫn như sau:
Phục hồi, đình chỉ đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố
...
5. Việc giao, gửi, thông báo quyết định phục hồi vụ án, quyết định đình chỉ vụ án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 và khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Như vậy, việc giao, gửi, thông báo quyết định đình chỉ vụ án hình sự thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
Thời hạn quyết định việc truy tố
...
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.