Viên chức ngoại giao có quyền từ bỏ quyền miễn trừ của mình không? Người thân đi cùng viên chức ngoại giao có được hưởng quyền miễn trừ hay không?
Viên chức ngoại giao có quyền từ bỏ quyền miễn trừ của mình không?
Về mặt quan điểm pháp lý, dựa trên tinh thần được ghi nhận tại Điều 31 và Điều 32 Công ước Viên của Liên hợp quốc năm 1961 về quan hệ ngoại giao như sau:
"Điều 31
1. Viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Nước tiếp nhận. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính, trừ những trường hợp sau:
a) Một vụ kiện về tài sản liên quan đến bất động sản tư nhân nằm trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, nếu như viên chức ngoại giao sở hữu bất động sản đó không trên danh nghĩa Nước cử đi vì các mục đích của cơ quan đại diện.
b) Một vụ kiện liên quan đến việc thừa kế, trong đó viên chức ngoại giao đứng tên là người thực hiện di chúc, người bảo hộ, người thừa kế hoặc người thừa tự với tư cách cá nhân chứ không phải nhân danh Nước cử đi.
c) Một vụ kiện liên quan đến bất cứ hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại nào mà viên chức ngoại giao tiến hành ở Nước tiếp nhận ngoài phạm vi những chức năng chính thức của họ.
...".
Và
"Điều 32
1. Nước cử đi có thể từ bỏ quyền miễn trừ xét xử của các viên chức ngoại giao và của những người được quyền miễn trừ theo Điều 37.
...".
Bên cạnh đó theo quan điểm của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, nếu đã gọi là "quyền" thì viên chức ngoại giao được tự nguyện lựa chọn có được hưởng các quyền đó hay không. Do đó, nếu việc từ chối này không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh và quyền lợi quốc gia, thì họ sẽ có quyền từ bỏ quyền miễn trừ của mình.
Viên chức ngoại giao có quyền từ bỏ quyền miễn trừ của mình không? (Hình từ internet)
Người thân đi cùng viên chức ngoại giao có được hưởng quyền miễn trừ hay không?
Đối với người thân đi cùng viên chức ngoại giao được quy định tại Điều 37 Công ước Viên của Liên hợp quốc năm 1961 về quan hệ ngoại giao như sau:
"Điều 37
1. Các thành viên gia đình của viên chức ngoại giao cùng sống chung với người đó, nếu không phải là công dân Nước tiếp nhận, được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ nêu trong các Điều từ 29 đến 36.
..."
Như vậy không phải người thân nào đi cùng cũng được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ mà chỉ có những thành viên trong gia đình của viên chức ngoại giaoo mới được hưởng các quyền đó mà thôi.
Cụ thể các quyền ưu đãi và miễn trừ của thành viên gia đình sống cùng viên chức ngoại giao được hưởng là gì?
Theo đó các quyền ưu đãi và miễn trừ nêu trong các Điều từ 29 đến Điều 36 Công ước Viên của Liên hợp quốc năm 1961 về quan hệ ngoại giao bao gồm:
29. Thân thể của các thành viên gia đình sống cùng viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất cứ hình thức nào.
- Nước tiếp nhận cần có sự đối xử trọng thị xứng đáng với họ và áp dụng mọi biện pháp thích đáng để ngăn chặn mọi hành vi xúc phạm đến thân thể, tự do hay phẩm cách của họ.
30. Nhà riêng của họ cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm và được bảo vệ như trụ sở của cơ quan đại diện.
- Tài liệu, thư tín và, trừ những trường hợp nêu ở Đoạn 3 của Điều 31, tài sản của họ cũng được hưởng quyền bất khả xâm phạm.
31. Thành viên gia đình sống cùng viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Nước tiếp nhận. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và hành chính, trừ những trường hợp sau:
+ Một vụ kiện về tài sản liên quan đến bất động sản tư nhân nằm trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, nếu như viên chức ngoại giao sở hữu bất động sản đó không trên danh nghĩa Nước cử đi vì các mục đích của cơ quan đại diện.
+ Một vụ kiện liên quan đến việc thừa kế, trong đó viên chức ngoại giao đứng tên là người thực hiện di chúc, người bảo hộ, người thừa kế hoặc người thừa tự với tư cách cá nhân chứ không phải nhân danh Nước cử đi.
+ Một vụ kiện liên quan đến bất cứ hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại nào mà viên chức ngoại giao tiến hành ở Nước tiếp nhận ngoài phạm vi những chức năng chính thức của họ.
- Không được có bất cứ một biện pháp xử lý nào đối với thành viên gia đình sống cùng viên chức ngoại giao, trừ những trường hợp vừa nêu trên và việc xử lý đó cần được tiến hành sao cho không vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể hoặc nhà ở của họ.
- Họ không bắt buộc phải ra làm chứng.
- Quyền được miễn trừ xét xử của họ đối với pháp luật Nước tiếp nhận không miễn trừ cho người đó đối với pháp luật Nước cử đi.
32. Nước cử đi có thể từ bỏ quyền miễn trừ xét xử của các thành viên gia đình sống cùng và viên chức ngoại giao.
- Việc từ bỏ này bao giờ cũng phải rõ ràng.
- Nếu một viên chức ngoại giao hay một người được hưởng quyền miễn trừ xét xử theo Điều 37 đứng ra phát đơn kiện, người đó sẽ không còn được quyền viện dẫn quyền miễn từ xét xử đối với mọi đơn phản kiện có liên quan trực tiếp đến đơn kiện trước.
- Việc từ bỏ quyền miễn trừ xét xử trong một vị kiện về dân sự hoặc hành chính không được coi như bao hàm cả việc từ bỏ quyền miễn trừ đối với những biện pháp thi hành án. Về việc này cần phải có sự từ bỏ riêng.
33. Thành viên gia đình của viên chức ngoại giao được miễn thực hiện các quy định hiện hành về chế độ bảo hiểm ở Nước tiếp nhận đối với các công việc phục vụ cho Nước cử đi, trừ các quy định ở Đoạn 3 Điều này.
- Việc miễn trừ nêu trên cũng được áp dụng đối với những người phục vụ riêng của các viên chức ngoại giao, với điều kiện:
+ Họ không phải là công dân Nước tiếp nhận hay không có nơi cư trú thường xuyên ở Nước này.
+ Họ phải tuân theo các quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội ở Nước cử đi hay ở một Nước thứ ba.
- Trường hợp thuê những người phục vụ không được hưởng quyền miễn trừ nêu trên này phải tuân theo những nghĩa vụ mà các điều khoản về bảo hiểm xã hội của Nước tiếp nhận quy định đối với người thuê nhân công.
- Việc miễn trừ nêu ở các Đoạn 1 và 2 của Điều này không loại trừ việc tự nguyện tham gia chế độ bảo hiểm xã hội của Nước tiếp nhận, miễn là việc tham gia đó được Nước này cho phép.
- Những quy định của Điều này không ảnh hưởng đến các hiệp định hai bên hay nhiều bên về bảo hiểm xã hội đã được ký từ trước và không cản trở việc ký các hiệp định như vậy về sau.
34. Được miễn mọi thứ thuế và lệ phí của Nhà nước, khu vực hay thành phố đánh vào người hoặc hiện vật, trừ:
+ Thuế gián thu, là thuế thông thường vẫn được tính gộp vào giá hàng hoá hoặc công dịch vụ;
+ Thuế và lệ phí đối với bất động sản tư nhân nằm trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, nếu viên chức ngoại giao không sở hữu bất động sản đó trên danh nghĩa Nước cử đi để phục vụ cho cơ quan đại diện.
+ Thuế và lệ phí thừa kế do Nước tiếp nhận thu, trừ những quy định nêu ở Đoạn 4 của Điều 39.
+ Thuế và lệ phí đánh vào các khoản thu nhập tư nhân có nguồn gốc ở Nước tiếp nhận và thuế đánh vào vốn đầu tư các cơ sở thương mại đóng tại Nước tiếp nhận.
+ Thuế và lệ phí thu về việc trả công các dịch vụ cụ thể;
+ Các lệ phí trước bạ, chứng thư, toà án, cầm cố và cước tem về bất động sản, trừ các quy định nêu ở Điều 23.
35. Nước tiếp nhận phải miễn cho thành viên gia đình sống cùng viên chức ngoại giao mọi nghĩa vụ lao động và Nhà nước bất luận mang tính chất nào và những nghĩa vụ quân sự như trưng dụng, các thứ đảm phụ và việc cung cấp nơi ở cho quân đội.
36. Phù hợp với luật pháp và các quy định của mình, Nước tiếp nhận cho phép nhập khẩu và miễn thuế quan, các loại thuế và các khoản thu khác có liên quan, trừ các khoản thu về lưu kho, vận chuyển và các dịch vụ tương tự, đối với:
+ Các đồ vật dùng vào việc công của cơ quan đại diện;
+ Các đồ vật dùng riêng cho viên chức ngoại giao hay cho các thành viên trong gia đình cùng sống chung với họ, kể cả những đồ vật dùng vào việc bố trí nơi ở.
- Hành lý cá nhân của họ được miễn khám xét, trừ phi có những lý do xác đáng để cho rằng hành lý đó chứa đựng những đồ vật không thuộc loại được hưởng sự ưu đãi nêu ở Đoạn 1 Điều này hay thuộc loại mà luật pháp Nước tiếp nhận cấm nhập khẩu hay xuất khẩu hay phải tuân theo chế độ kiểm dịch của Nước tiếp nhận. Trong trường hợp đó, việc khám xét chỉ được tiến hành trước mặt viên chức ngoại giao hoặc người được uỷ quyền đại diện cho họ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.