Việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư là trách nhiệm của cơ quan nào?
- Việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư là trách nhiệm của cơ quan nào?
- Ngoài báo cáo hoạt động bằng văn bản, nhà đầu tư còn phải thực hiện báo cáo thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đúng không?
- Chủ đầu tư không cập nhật thông tin lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư bị phạt bao nhiêu?
Việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư là trách nhiệm của cơ quan nào?
Việc xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư được quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư
1. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư bao gồm:
a) Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong nước;
b) Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam;
c) Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài;
d) Hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư;
đ) Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư; đánh giá việc vận hành hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở trung ương và địa phương.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và nhà đầu tư có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan vào Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
4. Thông tin về dự án đầu tư lưu trữ tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư có giá trị pháp lý là thông tin gốc về dự án đầu tư.
Theo đó, trách nhiệm xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư là trách nhiệm của cơ quan nào? (hình từ internet)
Ngoài báo cáo hoạt động bằng văn bản, nhà đầu tư còn phải thực hiện báo cáo thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đúng không?
Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam được quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam
1. Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo bao gồm:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư;
c) Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này.
2. Chế độ báo cáo định kỳ được thực hiện như sau:
a) Hằng quý, hằng năm, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn về tình hình thực hiện dự án đầu tư, gồm các nội dung sau: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động;
b) Hằng quý, hằng năm, cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tình hình hoạt động của các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý;
c) Hằng quý, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đầu tư trên địa bàn;
d) Hằng quý, hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo về tình hình cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương khác thuộc phạm vi quản lý (nếu có); báo cáo về hoạt động đầu tư liên quan đến phạm vi quản lý của ngành và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
đ) Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trên phạm vi cả nước và báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan, nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện báo cáo bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
4. Cơ quan, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Đối với các dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Theo đó, ngoài báo cáo hoạt động bằng văn bản, nhà đầu tư còn phải thực hiện báo cáo thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Chủ đầu tư không cập nhật thông tin lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau:
Vi phạm chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định;
b) Không cập nhật hoặc cập nhật thông tin không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn quy định lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư;
c) Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định;
d) Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện chế độ báo cáo hoặc bổ sung nội dung, tài liệu vào báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc cập nhật thông tin hoặc cập nhật bổ sung đầy đủ, chính xác thông tin lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Như vậy, nhà đầu tư không cập nhật thông tin lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, nhà đầu tư vi phạm quy định này còn buộc cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Lưu ý: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi kể trên áp dụng với nhà đầu tư là tổ chức, với cá nhân sẽ bằng 1/2 cho cùng hành vi (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.