Việc xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được thực hiện trong những trường hợp nào?
- Việc xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được thực hiện trong những trường hợp nào?
- Khi cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thì phái người sử dụng lao động có những trách nhiệm gì cần thực hiện?
- Việc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân sẽ do người sử dụng lao động hay người lao động thực hiện?
Việc xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được thực hiện trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:
Nguyên tắc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động để loại trừ hoặc hạn chế tối đa các tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, cải thiện điều kiện lao động trước khi thực hiện biện pháp trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân.
2. Người sử dụng lao động lập danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Ngoài việc lập danh mục quy định tại khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động chủ động xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Các nghề, công việc chưa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này mà người sử dụng lao động xét thấy có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.
b) Các nghề, công việc được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng cần bổ sung danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo đảm ngăn ngừa có hiệu quả các tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động.
...
Theo đó, việc xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động được người sử dụng lao động chủ động thực hiện trong những trường hợp sau đây:
(1) Các nghề, công việc chưa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH mà người sử dụng lao động xét thấy có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.
(2) Các nghề, công việc được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH nhưng cần bổ sung danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo đảm ngăn ngừa có hiệu quả các tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động.
Việc xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động được thực hiện trong những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Khi cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thì phái người sử dụng lao động có những trách nhiệm gì cần thực hiện?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:
Nguyên tắc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải kiểm tra việc sử dụng.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao thì người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, thử nghiệm để bảo đảm chất lượng, quy cách của phương tiện bảo vệ này trước khi trang cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra chất lượng trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi; không sử dụng các phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc quá hạn sử dụng theo khuyến cáo của nhà cung cấp; loại bỏ ngay các phương tiện hư hỏng, không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sử dụng.
3. Người lao động được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải sử dụng phương tiện đó theo đúng quy định trong khi làm việc. Nếu người lao động vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo nội quy lao động của cơ sở mình hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Người sử dụng lao động phải trang cấp lại cho người lao động phương tiện bảo vệ cá nhân khi bị mất, hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Trường hợp bị mất, hư hỏng mà không có lý do chính đáng thì người lao động phải bồi thường theo quy định của nội quy lao động của cơ sở. Khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi chuyển làm công việc khác thì người lao động phải trả lại những phương tiện bảo vệ cá nhân nếu người sử dụng lao động yêu cầu nhưng phải ký bàn giao.
Theo quy định trên thì khi cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải kiểm tra việc sử dụng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, thử nghiệm đối với các phương tiện bảo vệ cá nhân chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao để bảo đảm chất lượng, quy cách của phương tiện bảo vệ này trước khi trang cấp, đồng thời định kỳ kiểm tra chất lượng trong quá trình sử dụng và ghi sổ theo dõi.
Trong trường hợp người lao động làm mất, làm hư hỏng hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân hết hạn sử dụng thì người sử dụng lao động cần phải cấp mới cho người lao động.
Việc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân sẽ do người sử dụng lao động hay người lao động thực hiện?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về việc nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân như sau:
Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
Từ quy định trên thì người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động cần phải bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.