Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được yêu cầu như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm xây dựng?
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được yêu cầu như thế nào?
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công (Hình từ Internet)
Tại Điều 108 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định khi xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật.
- Bảo đảm tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin và khả năng mở rộng các trường dữ liệu trong thiết kế hệ thống và phần mềm ứng dụng.
- Thiết kế cấu trúc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công phải bảo đảm việc mở rộng và phát triển.
Cơ quan nào có trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công?
Tại Điều 109 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công như sau:
Trách nhiệm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
2. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo báo cáo kê khai, thực hiện cập nhật thông tin, bảo đảm kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Theo đó Bộ Tài chính sẽ là cơ quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Và tại khoản 1 Điều 111 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định cơ quan được giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công có trách nhiệm thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công như sau:
- Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường cho việc cài đặt, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vật lý và môi trường của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
- Thực hiện các biện pháp sao lưu, dự phòng để bảo đảm khả năng khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu khi xảy ra sự cố do thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng khác hoặc bị làm sai lệch, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái phép. Dữ liệu sao lưu phải được bảo vệ an toàn, định kỳ kiểm tra và phục hồi thử hệ thống từ dữ liệu sao lưu để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết;
- Thực hiện các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công hoạt động liên tục;
- Áp dụng biện pháp xác thực phù hợp để bảo đảm an toàn cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng với mục đích gì?
Tại Điều 129 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định các thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng để:
- Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Làm căn cứ để lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công;
- Phục vụ mục đích khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Và nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 114 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
1. Thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 129 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ quan được giao quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ở cấp nào được phép sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về tài sản công thuộc phạm vi quản lý của cấp đó. Cơ quan được giao quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia được phép cung cấp thông tin, dữ liệu về tài sản công, giao dịch tài sản công điện tử; cung cấp dịch vụ về tư vấn, hỗ trợ khi kết nối, tích hợp dữ liệu, truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
2. Đối tượng được khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nhu cầu liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về thông tin, dữ liệu tài sản công đề nghị cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu về tài sản công cung cấp phải thanh toán chi phí theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội để sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 129 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và cung cấp thông tin khác phục vụ công tác quản lý nhà nước. Số tiền thu được từ việc cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Các hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công:
a) Kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
b) Tra cứu thông tin về tài sản công được công khai trên Cổng (Trang) thông tin điện tử có nhiệm vụ công khai tài sản công;
c) Theo văn bản yêu cầu được cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.