Việc vay thế chấp sổ đỏ có đúng với quy định của pháp luật không? Người đang nợ tiền sử dụng đất có thể vay thế chấp sổ đỏ không?
Vay thế chấp sổ đỏ là gì?
Vay thế chấp sổ đỏ (Hình từ Internet)
>> Mới nhất Tải Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:
Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo đó việc thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản của mình để đảm bảo sẽ thực hiện nghĩa vụ nào đó với bên khác.
Căn cứ theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
....
16.Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn được gọi là sổ đỏ là giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng.
Từ đó có định nghĩa vay thế chấp sổ đỏ là việc dùng giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng để đảm bảo sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi vay một khoản tiền nào đó.
Việc vay thế chấp sổ đỏ có đúng với quy định của pháp luật không?
Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:
a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;
b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Theo đó người sử dụng đất và nhóm người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn thế nên việc vay thế chấp sổ đỏ cũng là một việc làm đúng pháp luật và được nhà nước công nhận.
Lưu ý: trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện. Có nghĩa nếu nếu vay thế chấp bằng sổ đỏ đối với đất của một nhóm người thì cần phải ủy quyền cho người đại diện trong trường hợp đất không phân chia được.
Người đang nợ tiền sử dụng đất có thể vay thế chấp sổ đỏ không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 quy định về thời điểm có thể thực hiện việc vay thế chấp bằng sổ đỏ như sau:
Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Theo đó người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền. Có nghĩa là người đang nợ tiền sử dụng đất không thể vay thế chấp sổ đỏ nếu không hoàn thành hết nghĩa vụ trả nợ tiền sử dụng đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.