Việc tước danh hiệu nhà nước được thực hiện trong trường hợp nào? Danh hiệu bị tước có phục hồi được không?
Việc tước danh hiệu nhà nước được thực hiện trong trường hợp nào?
Hiện nay pháp luật không có quy định về danh hiệu nhà nước mà chỉ có quy định về danh hiệu vinh dự nhà nước, vậy việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước sẽ căn cứ theo Điều 97 Luật Thi đua, khen thưởng 2003 có quy định như sau:
1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
2. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP có nội dung hướng dẫn như sau:
Thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu
1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Theo đó thì danh hiệu vinh dự nhà nước bị tước khi cá nhân được tặng danh hiệu vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.
Việc tước danh hiệu nhà nước được thực hiện trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục tước danh hiệu vinh dự nhà nước thực hiện ra sao?
Cũng Căn cứ theo Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục tước danh hiệu vinh dự nhà nước như sau:
(1) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
(2) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp;
Thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.
Danh hiệu vinh dự nhà nước đã bị tước thì có phục hồi được không?
Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP có nêu danh hiệu vinh dự nhà nước chỉ được xem xét phục hồi cho các cá nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai.
Hồ sơ đề nghị phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:
- Tờ trình của cấp có thẩm quyền;
- Báo cáo tóm tắt, nêu rõ nội dung hoặc giải trình lý do đề nghị và ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Lưu ý: Luật Thi đua, khen thưởng 2003 chỉ còn hiệu lực đến 31/12/2022, kể từ ngày 1/1/2023 Luật này sẽ bị thay thế bởi Luật Thi đua, khen thưởng 2022.
Trong đó tại Điều 93 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có quy định về xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng như sau:
Xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng
...
3. Cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ kháng chiến, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình hoặc tham gia hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
5. Pháp nhân thương mại được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
6. Cá nhân, pháp nhân thương mại bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước mà sau đó có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.
7. Chủ tịch nước quyết định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.
8. Người có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thì có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã được xét tặng.
9. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, thu hồi hiện vật khen thưởng và tiền thưởng; thủ tục tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.
Như vậy theo Luật Thi đua, khen thưởng mới thì:
- Cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước, trừ trường hợp:
Cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ kháng chiến, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình;
Hoặc tham gia hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
- Bên cạnh đó Luật này còn quy định về việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước của pháp nhân thương mại khi bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.