Việc sáp nhập quỹ từ thiện có được pháp luật hiện hành cho phép thực hiện không? Thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ đề nghị sáp nhập quỹ từ thiện là bao lâu?
- Việc sáp nhập quỹ từ thiện có được pháp luật hiện hành cho phép thực hiện không?
- Hồ sơ sáp nhập quỹ từ thiện lại với nhau bao gồm những loại giấy tờ nào?
- Thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ đề nghị sáp nhập quỹ từ thiện là bao lâu?
- Cơ quan có thầm quyền ra quyết định cho phép việc sáp nhập quỹ từ thiện là cơ quan nào?
Việc sáp nhập quỹ từ thiện có được pháp luật hiện hành cho phép thực hiện không?
Căn cứ khoản 1 Điều 39 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về việc sáp nhập tài sản như sau:
"Điều 39. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ
1. Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
..."
Theo đó, tại Điều 89 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sáp nhập pháp nhân như sau:
"Điều 89. Sáp nhập pháp nhân
1. Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).
2. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập."
Theo những quy định vừa nêu thì việc sáp nhập quỹ từ thiện là việc có thể thực hiện được.
So với quy định cũ tại Điều 36 Nghị định 30/2012/NĐ-CP thì ở Nghị định mới này không nêu rõ về các quy định thực hiện việc sáp nhập quỹ từ thiện.
Sáp nhập quỹ từ thiện
Hồ sơ sáp nhập quỹ từ thiện lại với nhau bao gồm những loại giấy tờ nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 39 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về hồ sơ sáp nhập quỹ từ thiện như sau:
"Điều 39. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ
...
3. Hồ sơ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ, gồm:
a) Đơn đề nghị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ, trong đó nêu rõ lý do và tên gọi mới của quỹ;
b) Dự thảo điều lệ quỹ;
c) Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);
d) Dự kiến nhân sự Hội đồng quản lý quỹ;
đ) Phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ."
Từ quy định trên thì hồ sơ đề nghị hợp nhất hai quỹ từ thiện với nhau bao gồm các giấy tờ như:
- Hồ sơ đề nghị sáp nhập quỹ từ thiện;
- Dự thảo điều lệ quỹ;
- Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc sáp nhập;
- Ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có);
- Dự kiến nhân sự Hội đồng quản lý quỹ;
- Phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi sáp nhập quỹ từ thiện.
Thời hạn để cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ đề nghị sáp nhập quỹ từ thiện là bao lâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 39 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục sáp nhập quỹ từ thiện như sau:
"Điều 39. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên quỹ
...
2. Thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ:
a) Quỹ thực hiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
c) Các quỹ hợp nhất, quỹ được sáp nhập, quỹ bị chia chấm dứt tồn tại và hoạt động sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này cho phép hợp nhất, sáp nhập và chia quỹ. Quyền và nghĩa vụ của các quỹ hợp nhất, quỹ được sáp nhập, quỹ bị chia được chuyển giao cho các quỹ mới và quỹ sáp nhập. Đối với trường hợp tách quỹ, thì quỹ bị tách và quỹ được tách (quỹ thành lập mới) thực hiện quyền, nghĩa vụ phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ và phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của quỹ trước khi tách.
..."
Theo đó, quỹ từ thiện cần gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị sáp nhập quỹ từ thiện cho cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép sáp nhập quỹ từ thiện.
Các quỹ hợp nhất, quỹ được sáp nhập, quỹ bị chia chấm dứt tồn tại và hoạt động sau khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập
Quyền và nghĩa vụ của các quỹ được sáp nhập được chuyển giao cho quỹ từ thiện sáp nhập.
Cơ quan có thầm quyền ra quyết định cho phép việc sáp nhập quỹ từ thiện là cơ quan nào?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cho phép sáp nhập quỹ từ thiện như sau:
"Điều 16. Thẩm quyền giải quyết của thủ tục về quỹ
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với:
a) Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh;
b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
a) Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã;
c) Căn cứ điều kiện cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong huyện, xã; trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
..."
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho phép sáp nhập quỹ từ thiện là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.