Việc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế không?
- Cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
- Việc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế không?
- Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa thuộc trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế?
Cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
7. Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
8. Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ.
9. Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.
10. Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
11. Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật.
...
Như vậy, cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.
Cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là gì? (Hình từ Internet)
Việc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế không?
Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:
Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)
1. Trường hợp phải thực hiện ENT
Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
2. Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế
a) Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
b) Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
c) Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
d) Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
đ) Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
...
Như vậy, theo quy định, việc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa thuộc trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế?
Việc chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa được quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau:
Trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp phải thực hiện ENT
...
6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận đề xuất của Chủ tịch Hội đồng ENT:
a) Trường hợp văn bản kết luận đề xuất không cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Trường hợp văn bản kết luận đề xuất cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định này (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
7. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 25 Nghị định này để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
8. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Như vậy, theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa thuộc trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.