Việc đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch cần đảm bảo những nội dung gì? Quy hoạch mở và động có ý nghĩa như thế nào trong quy hoạch cán bộ?
Hiểu thế nào về quy hoạch cán bộ?
Theo Mục 1 Chương I Hướng dẫn 15-HD/BTCTW năm 2012 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TW năm 2004 và Kết luận 24-KL/TW năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương ban hành có giải thích như sau:
- Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là công tác phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước.
- Đề án quy hoạch cán bộ là kế hoạch tổng thể, dài hạn về đội ngũ cán bộ có triển vọng đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ đó theo quy hoạch.
Việc đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch cần đảm bảo những nội dung gì? Quy hoạch mở và động có ý nghĩa như thế nào trong quy hoạch cán bộ? (Hình từ Internet)
Việc đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch cần đảm bảo những nội dung gì?
Căn cứ tại Mục 3.1 Chương I Hướng dẫn 15-HD/BTCTW năm 2012 có quy định về việc phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch:
- Thứ nhất, về nội dung đánh giá: Căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chức danh cán bộ, bao gồm tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ, theo các nội dung cơ bản sau:
(1) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần tự học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, công bằng, khách quan, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; việc chấp hành chính sách, pháp luật của vợ, chồng, con; mối quan hệ với nhân dân...
(2) Năng lực thực tiễn: thể hiện ở kết quả, hiệu quả công tác; tính chủ động, sáng tạo; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực điều hành, tổ chức thực hiện; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương công tác.
(3) Uy tín: thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ.
(4) Sức khoẻ: bảo đảm sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh quy hoạch.
(5) Chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn.
Như vậy trước khi đưa cán bộ vào quy hoạch thì việc đánh giá phải đúng những nội dung yêu cầu và tiêu chuẩn của cán bộ như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, sức khỏe, chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn.
Ai là người có thẩm quyền đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch?
Người có thẩm quyền đánh giá cán bộ được quy định cụ thể tại Mục 3.2 Chương I Hướng dẫn 15-HD/BTCTW năm 2012:
- Người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ;
- Tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ sở nơi cán bộ công tác đánh giá (sau khi đã tham khảo ý kiến của chi ủy nơi cán bộ cư trú về bản thân và gia đình cán bộ).
- Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ (ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị) xem xét đánh giá, kết luận.
* Lưu ý rằng:
- Kết luận về đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể ban thường vụ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị (đối với các đơn vị sự nghiệp) hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ quyết định hình thức công khai đánh giá đối với cán bộ.
- Kết quả đánh giá cán bộ hằng năm (không quá 6 tháng tới thời điểm xem xét) được sử dụng cho việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung.
Quy hoạch mở và động có ý nghĩa như thế nào trong quy hoạch cán bộ?
Theo Mục 4 Chương I Hướng dẫn 15-HD/BTCTW năm 2012, về quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm "mở" và "động" như sau:
- Quy hoạch "mở" được hiểu là một chức danh cần quy hoạch một số người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh; giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không chỉ đưa vào quy hoạch những cán bộ tại chỗ mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch cả các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác.
Đối với cán bộ có trong quy hoạch ở nơi khác, được đề xuất, giới thiệu vào quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ (ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, vụ (ban) tổ chức cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương) cần liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác để thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào quy hoạch, thông báo cho địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác và cá nhân cán bộ đó biết, không tổ chức lấy phiếu giới thiệu đối với nhân sự đó (cả nơi cán bộ đang công tác và nơi đưa cán bộ vào quy hoạch).
Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới.
- Quy hoạch "động" là quy hoạch đựợc định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của cán bộ; kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp qua lấy phiếu tín nhiệm hằng năm; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.