Việc cấp giấy phép môi trường dựa trên những căn cứ nào? Và giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện những hoạt động nào?
Việc cấp giấy phép môi trường dựa trên những căn cứ nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về căn cứ cấp giấy phép môi trường như sau:
Căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường
1. Căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này;
b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);
c) Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;
d) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
đ) Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, trường hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các điểm a, b, d và đ khoản này.
...
Theo đó, việc cấp giấy phép môi trường sẽ được thực hiện dựa trên những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 42 nêu trên.
Trong những căn cứ đó có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có) và quy chuẩn kỹ thuật.
Giấy phép môi trường (Hình từ Internet)
Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về thời điểm cấp giấy phép môi trường như sau:
Căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường
...
2. Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
b) Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật này. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;
c) Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm. Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.
...
Như vậy, dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 nêu trên.
Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật này.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện những hoạt động nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường như sau:
Căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường
...
4. Giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện hoạt động sau đây:
a) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
b) Thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
...
Theo đó, giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
Đồng thời giấy phép môi trường cũng là căn cứ thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.