Việc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp người đã chết do bị thi hành án oan tử hình được thực hiện như thế nào? Ai có quyền yêu cầu bồi thường?
- Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho trường hợp bị thi hành án oan tử hình khi nào?
- Ai có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người?
- Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người?
- Trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người thì được Nhà nước bồi thường những gì?
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho trường hợp bị thi hành án oan tử hình khi nào?
Bồi thường thiệt hại cho trường hợp bị thi hành án oan tử hình (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
...
4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
Theo đó, trường hợp người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm là một trong các trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp người bị thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người được Nhà nước bồi thường thiệt hại khi có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Ai có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người?
Tại khoản 2 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường bao gồm:
- Người bị thiệt hại;
- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
- Cá nhân, pháp nhân được những người nêu trên ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Như vậy, đối với trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người thì người bị thiệt hại đã chết nên người thừa kế của người đã chết có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người?
Theo quy định tại Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người thừa kế của người đã chết trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.
- Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:
+ Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;
+ Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.
- Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu nêu trên.
Trong trường hợp thi hành án oan tử hình dẫn đến chết người thì được Nhà nước bồi thường những gì?
Trong trường hợp một người đã chết do bị thi hành án oan tử hình thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại được quy định tại Chương III Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, có thể kể đến như sau:
* Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết
Đối với trường hợp người bị thiệt hại chết do bị thi hành án oan tử hình, theo Điều 25 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại như sau:
- Chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết được xác định theo mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc đã được xác định theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Thiệt hại về tinh thần
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở.
Trường hợp người bị thiệt hại chết thì không áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.