Vi phạm quy định về tự ý mua sắm tài sản công bị xử phạt như thế nào? Nguồn tiền nộp phạt được lấy từ đâu?
Tiền nộp phạt khi tự ý mua sắm tài sản công được lấy từ đâu?
Tự ý mua sắm tài sản công khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền
Căn cứ khoản 7 Điều 4 Nghị định 63/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 quy định:
“7. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.”
Như vậy, khi tổ chức bị xử phạt thì vẫn phải nộp phạt theo quy định. Tuy nhiên tổ chức này sẽ xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính và yêu cầu cá nhân này nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Việc mua sắm tài sản công khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền bị xử lý như thế nào?
Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng tài sản công, trong đó có:
"...
2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức."
Theo đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định mức phạt áp dụng đối với hành vi mua sắm khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền như sau:
Phạt tiền đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua dưới 100.000.000 đồng;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô."
Hướng dẫn cho quy định này, khoản 1 Điều 4 Thông tư 29/2020/TT-BTC quy định:
"1. Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) hoặc tại thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về mua sắm tài sản công của cấp có thẩm quyền. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành."
Như vậy, sau khi xác định giá trị tài sản đã mua, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra mức xử phạt tương ứng.
Ngoài ra, Điều 5 Nghị định 63/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 quy định về việc áp dụng mức phạt tiền như sau:
(1) Mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này).
(2) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
(3) Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Do đó, kể từ ngày 01/01/2022, cần lư ý thêm về mức tiền xử phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm sẽ bằng 02 lần mức phạt áp dụng cho cá nhân.
Việc mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của nhà nước được quy định như thế nào?
Điều 3 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
(2) Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
(3) Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định.
Hồ sơ đề nghị mua sắm tài sản gồm:
- Văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản: 01 bản chính;
- Văn bản đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
- Danh mục tài sản đề nghị mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí): 01 bản chính;
- Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị mua sắm tài sản (nếu có): 01 bản sao.
(4) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định việc mua sắm tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị mua sắm tài sản không phù hợp. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản về sự cần thiết mua sắm, sự phù hợp của đề nghị mua sắm với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trước khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trong trường hợp việc mua sắm tài sản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Nội dung chủ yếu của Quyết định mua sắm tài sản gồm:
- Tên cơ quan nhà nước được mua sắm tài sản;
- Danh mục tài sản được mua sắm (chủng loại, số lượng, giá dự toán, nguồn kinh phí);
- Phương thức mua sắm;
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện.
(5) Việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan. Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định này.
Như vậy, việc tự ý mua sắm tài sản công khi chưa nhận được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật. Tùy vào giá trị của tài sản đã mua, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng mức xử phạt tương ứng tùy từng trường hợp vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.