Vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm những hành vi nào? Mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi?

Cho tôi hỏi vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm những hành vi nào? Mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh là bao nhiêu? Mong được giải đáp sớm. Xin cảm ơn. Câu hỏi của anh N.Đ (Đà Nẵng).

Vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm những hành vi nào? Mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi?

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2019/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định, hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm:

(1) Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:

- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được hiểu là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

- Có các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như sau:

+ Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

+ Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

+ Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

+ Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

+ Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.

(2) Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền:

- Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

- Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

- Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

+ Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

+ Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

+ Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

- Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.

(3) Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế:

- Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức:

+ Sáp nhập doanh nghiệp;

+ Hợp nhất doanh nghiệp;

+ Mua lại doanh nghiệp;

+ Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

+ Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Việc tập trung kinh đế sẽ bị nghiêm cấm nếu doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

(4) Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh:

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 2.000.000.000 đồng.

(5) Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác: Mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng.

Vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm những hành vi nào? Mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi?

Vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm những hành vi nào? Mức phạt tiền tối đa đối với từng hành vi? (Hình từ Internet)

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh?

Có thể hiểu một cách đơn giản xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh được nêu ở trên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-CP thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

(1) Cảnh cáo:

Theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm:

- Không nghiêm trọng,

- Có tình tiết giảm nhẹ

- Theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

- Áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

(2) Phạt tiền:

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt sẽ được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt.

Bên cạnh 2 hình phạt chính nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng;

- Tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm;

- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương.

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh theo hình thức phạt tiền thì nộp phạt ở đâu?

Căn cứ Điều 32 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về nơi nộp tiền phạt như sau:

Nơi nộp tiền phạt
Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền theo quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh theo hình thức phạt tiền thì phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,525 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào