Vệ sinh môi trường là gì? Tổ chức quản lý khu vực công cộng có trách nhiệm gì đối với giữ gìn vệ sinh môi trường?
Vệ sinh môi trường là gì?
Vệ sinh môi trường được giải thích tại Bài 1 Phần 1 Tài liệu truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh trung học cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 2056/QĐ-BGDĐT năm 2023 như sau:
Vệ sinh môi trường
- Vệ sinh môi trường là các biện pháp nhằm cải tạo và làm sạch môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khoẻ cá nhân, cộng đồng và phòng chống bệnh tật.
- Vệ sinh môi trường bao gồm:
+ Vệ sinh nước sinh hoạt: các biện pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt đạt các tiêu chuẩn vệ sinh.
+ Vệ sinh công cộng:
(+) Thu gom và xử lý chất thải của con người (phân, nước tiểu): sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh...
(+) Thu gom và xử lý rác thải: đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải…
(+) Thu gom và xử lý nước thải: xử lý nước thải, hệ thống thoát nước mưa…
>>Xem thêm: Tổng hợp các quy định hiện hành về Bảo vệ môi trường Tải
Vệ sinh môi trường là gì? Tổ chức quản lý khu vực công cộng thì có trách nhiệm gì đối với giữ gìn vệ sinh môi trường? (Hình từ Internet)
Tổ chức quản lý khu vực công cộng có trách nhiệm gì đối với giữ gìn vệ sinh môi trường?
Tổ chức quản lý khu vực công cộng có trách nhiệm đối với giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
Bảo vệ môi trường nơi công cộng
1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau đây:
a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
b) Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;
d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, đối với giữ gìn vệ sinh môi trường thì tổ chức quản lý khu vực công cộng thì có các trách nhiệm sau:
- Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
- Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;
- Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức quản lý khu vực công cộng không bố trí người làm vệ sinh môi trường thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Tổ chức quản lý khu vực công cộng không bố trí người làm vệ sinh môi trường thì bị phạt theo quy định tại điểm c khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường
…
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có một trong các hành vi sau đây:
a) Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định;
b) Không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý theo quy định;
c) Không bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; không có cán bộ, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát theo quy định.
…
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này gây ra.
Theo đó tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
…
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Như vậy, theo quy định trên thì tổ chức quản lý khu vực công cộng không bố trí người làm vệ sinh môi trường thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.