Văn phòng Thừa phát lại có được mở văn phòng đại diện ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại hay không?
- Văn phòng Thừa phát lại có được mở văn phòng đại diện ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại hay không?
- Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện được quy định thế nào?
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện không?
Văn phòng Thừa phát lại có được mở văn phòng đại diện ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại hay không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về Văn phòng Thừa phát lại như sau:
Văn phòng Thừa phát lại
...
5. Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này.
Theo quy định trên, Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại.
Văn phòng thừa phát lại (Hình từ Internet)
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện được quy định thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 5, điểm b khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 33 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại như sau:
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại
...
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại;
b) Không đăng ký hành nghề cho thừa phát lại của văn phòng mình theo quy định;
c) Không đăng ký nội dung thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, họ tên trưởng văn phòng, danh sách thừa phát lại hợp danh, danh sách thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng của văn phòng mình theo quy định;
d) Cho người không phải là thừa phát lại của văn phòng mình hành nghề thừa phát lại dưới danh nghĩa văn phòng mình;
đ) Cho người khác sử dụng quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của văn phòng thừa phát lại để hoạt động thừa phát lại.
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
...
b) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4, các điểm a và d khoản 5 Điều này;
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3, các điểm a, d và đ khoản 5, khoản 6 Điều này.
Theo khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời Văn phòng Thừa phát lại vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra
...
5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp;
c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hành nghề, thẻ tư vấn viên pháp luật, thẻ công chứng viên, thẻ thừa phát lại, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
...
Như vậy, Văn phòng Thừa phát lại mở văn phòng đại diện ngoài trụ sở văn phòng thừa phát lại sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng nên Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền xử phạt Văn phòng này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.