Văn phòng giám định tư pháp muốn chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh thì cần phải làm gì?
- Văn phòng giám định tư pháp muốn chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh thì cần phải làm gì?
- Hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp bao gồm những giấy tờ gì?
- Thủ tục chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh?
Văn phòng giám định tư pháp muốn chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh thì cần phải làm gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định về việc chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp có nhu cầu chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại phải có hồ sơ đề nghị chuyển đổi gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
Theo đó, nếu Văn phòng giám định tư pháp muốn chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh thì cần phải gửi hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động đến Sở Tư pháp, nơi văn phòng đăng ký hoạt động.
Thủ tục chuyển đổi Văn phòng giám định tư pháp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp bao gồm những giấy tờ gì?
Theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 85/2013/NĐ-CP, hồ sơ đề nghi chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp bao gồm những giấy tờ sau đây:
- Đơn đề nghị chuyển đổi;
- Đề án chuyển đổi loại hình hoạt động, trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi, tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp tính đến ngày đề nghị chuyển, đổi, dự kiến về tổ chức, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, điều kiện vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp là thành viên hợp danh của Văn phòng;
- Quyết định cho phép thành lập Văn phòng;
- Dự thảo Quy chế mới về tổ chức, hoạt động của Văn phòng.
Thủ tục chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh?
Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 85/2013/NĐ-CP, việc chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh được thực hiện theo thủ tục sau đây:
Bước 01: Văn phòng giám định tư pháp gửi hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động đến Sở Tư pháp nơi văn phòng đăng ký hoạt động.
Bước 02: Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Nếu Sở Tư pháp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối chuyển đổi loại hình hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Bước 03: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi loại hình hoạt động
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Nếu từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối chuyển đổi loại hình hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Bước 04: Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động thì Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.
Khi đăng ký, Văn phòng giám định tư pháp phải có những giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký hoạt động;
- Bản sao quyết định cho phép chuyển đổi loại hình Văn phòng;
- Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp theo đề án chuyển đổi loại hình hoạt động.
Bước 05: Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi.
Trường hợp Sở Tư pháp từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi loại hình được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động; kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Văn phòng giám định tư pháp trước đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.