Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam thành lập, tổ chức, hoạt động như thế nào?
- Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài do pháp luật nào điều chỉnh?
- Tên, trụ sở chính của văn phòng đại diện phải đảm bảo những điều kiện nào?
- Điều kiện được cấp giấy phép của văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài là gì?
- Trình tự và thủ tục cấp giấy phép cho văn phòng đại diện được quy định như thế nào?
Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài do pháp luật nào điều chỉnh?
Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài
Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về pháp luật áp dụng đối với quá trình hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam như sau:
"1. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này."
3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm:
a) Tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành;
b) Tập quán thương mại khác không trái với pháp luật của Việt Nam."
Như vậy, việc áp dụng pháp luật điều chỉnh đối với quá trình thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định trên.
Tên, trụ sở chính của văn phòng đại diện phải đảm bảo những điều kiện nào?
(1) Tên của văn phòng đại diện phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 40/2011/TT-NHNN như sau:
- Phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Được đặt theo mẫu tương ứng như sau:
+ Ngân hàng thương mại cổ phần và Tên riêng;
+ Ngân hàng liên doanh và Tên riêng;
+ Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Tên ngân hàng nước ngoài và Việt Nam;
+ Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn và Tên riêng đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài hai thành viên trở lên;
+ Ngân hàng và Tên ngân hàng nước ngoài – Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt chi nhánh. Trong trường hợp ngân hàng nước ngoài thành lập hai chi nhánh trở lên tại một tỉnh, thành phố thì phải bổ sung tên để đảm bảo phân biệt các chi nhánh khác nhau;
+ Văn phòng đại diện và tên tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng – tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng đại diện.
(2) Trụ sở của văn phòng đại diện phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm tên tòa nhà (nếu có), số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). (theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Thông tư 28/2018/TT-NHNN)
Điều kiện được cấp giấy phép của văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài là gì?
Khoản 4 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về điều kiện để văn phòng đại diện được cấp giấy phép như sau:
- Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là pháp nhân được phép hoạt động ngân hàng ở nước ngoài;
- Quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng đặt trụ sở chính cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trình tự và thủ tục cấp giấy phép cho văn phòng đại diện được quy định như thế nào?
Khoản 2 Điều 22 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 40/2011/TT-NHNN, sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 25/2019/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện như sau:
- Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 18 Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) nơi văn phòng đại diện dự kiến đặt trụ sở.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ.
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản trả lời tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.
Như vậy, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng tại Việt Nam được hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng hiện hành, trong đó có quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian được cấp giấy phép.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.