Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nào của chức danh?
Người giữ chức danh Ủy viên Bộ Chính trị bắt buộc tốt nghiệp đại học trở lên đúng không?
Tiêu chuẩn chung về trình độ được quy định tại tiết 1.3 tiểu mục 1 Mục I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 như sau:
I- KHUNG TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CÁN BỘ THUỘC DIỆN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ
1. Tiêu chuẩn chung
...
1.3. Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.
...
Theo quy định tiêu chuẩn chung về trình độ đối với người giữ chức danh Ủy viên Bộ Chính trị như sau:
- Tốt nghiệp đại học trở lên;
- Có lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp;
- Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
- Trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.
Như vậy, người giữ chức danh Ủy viên Bộ Chính trị bắt buộc tốt nghiệp đại học trở lên.
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nào của chức danh?
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây của chức danh được quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020:
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội cần bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn:
- Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.
- Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.
- Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập.
- Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.
- Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
- Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.
- Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.
- Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Lưu ý: Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nào của chức danh? (Hình từ Internet)
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống những vấn đề gì?
Ủy viên Bộ Chính trị công tác trong quân đội phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống những vấn đề theo quy định tại Điều 3 Quy định 08/QĐi/TW năm 2018 như sau:
(1) Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
(2) Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
(3) Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
(4) Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.
(5) Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.
(6) Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.
(7) Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.
(8) Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.