Ủy quyền tất toán sổ tiết kiệm khi đang ở nước ngoài có được không? Ủy quyền được pháp luật quy định như thế nào?
Ủy quyền được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật)."
Cùng với đó có thể hiểu ủy quyền cho người được đại diện quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 134. Đại diện
1.Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện."
Như vậy, Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Ủy quyền nhận sổ tiết kiệm? (Hình từ Internet)
Ủy quyền tất toán sổ tiết kiệm khi đang ở nước ngoài có được không?
Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định như sau:
"Điều 18. Thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng đề nghị người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau:
a) Xuất trình Thẻ tiết kiệm;
b) Xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền, của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung). Trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền;
c) Nộp giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng. Đối với người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được: người gửi tiền thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng đối chiếu thông tin của người gửi tiền, thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, thông tin trên Thẻ tiết kiệm, chữ ký trên giấy rút tiền đảm bảo chính xác với các thông tin lưu tại tổ chức tín dụng."
Như vậy, nếu như đang ở nước ngoài thì vẫn được ủy quyền cho người ở Việt Nam tất toán sổ tiết kiệm tại Ngân hàng.
Về thủ tục cụ thể như thế nào thì không có quy định chi tiết mà việc này là tùy thuộc vào từng ngân hàng sẽ có quy định, yêu cầu riêng. Tuy nhiên, về nguyên tắc cơ bản là phải có những giấy tờ sau:
- Sổ tiết kiệm
- Văn bản ủy quyền.
- Giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng
Để xin xác nhận khi đang ở nước ngoài thì người đang ở nước ngoài phải lập Giấy ủy quyền tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nơi người ủy quyền cư trú.
Sau đó, người được ủy quyền liên hệ với ngân hàng để làm các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm này.
Có được tất toán sổ tiết kiệm mà không cần ra tận ngân hàng không?
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định như sau:
"Điều 19. Thực hiện nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử
1. Tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, về phòng, chống rửa tiền và các quy định của pháp luật có liên quan đảm bảo việc nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng phải đảm bảo lưu giữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử để đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền trong việc tra soát, kiểm tra và giải quyết tranh chấp."
Như vậy, người gửi tiền không cần ra tận ngân hàng để nhận tiền mà bằng phương tiện điện tử thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, người gửi sẽ được chi trả tiền tiết kiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.