Ủy ban nhân dân xã có được công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không? Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện như thế nào?
Công chứng và chứng thực được hiểu như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 giải thích công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
[...]."
Theo các quy định trên có sự phân biệt rõ hai loại hoạt động công chứng và chứng thực. Theo đó, Công chứng viên của tổ chức công chứng thực hiện hoạt động công chứng tức là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự.
Còn chứng thực được hiểu là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận tính chính xác đối với văn bản, chứng thực bản sao là đúng với bản chính, chữ ký của cá nhân, chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên để bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân xã có được công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của Ủy ban nhân dân xã như sau:
"Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
[...]
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
e) Chứng thực di chúc;
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
[...]
6. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà."
Theo đó, Ủy ban nhân dân xã là cơ quan có thẩm quyền chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà di sản là các tài sản cụ thể theo quy định trên.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 47. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với những địa bàn cấp huyện, cấp xã đã chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng, mà hợp đồng, giao dịch trước đó được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thì việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, sửa lỗi sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in hợp đồng, giao dịch vẫn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, nơi đã thực hiện chứng thực trước đây.
[...]."
Theo quy định trên, có thể chia làm 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất: Nếu ở địa phương đã có tổ chức công chứng và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch đã được chuyển cho các tổ chức công chứng theo Luật Công chứng thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được công chứng tại tổ chức công chứng.
Thứ hai: Nếu ở địa phương đó chưa có tổ chức công chứng thì Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn có thẩm quyền chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Người thực hiện là người được ủy ban nhân dân cấp xã giao thực hiện việc chứng thực theo quy định.
Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 như sau:
“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản."
Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện theo quy định cụ thể nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.