Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định có được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hay không?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định vị trí và chức năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nướcnhư sau:
Vị trí và chức năng
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Như vậy, theo quy định thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hay không? (Hình từ Internet)
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định có những đơn vị sự nghiệp nào?
Căn cứ Điều 3 Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như sau:
Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Pháp chế.
2. Vụ Phát triển thị trường chứng khoán.
3. Vụ Quản lý chào bán chứng khoán.
4. Vụ Giám sát công ty đại chúng.
5. Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán.
6. Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán.
7. Vụ Giám sát thị trường chứng khoán.
8. Vụ Hợp tác quốc tế.
9. Vụ Tổ chức cán bộ.
10. Vụ Tài vụ - Quản trị.
11. Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh).
12. Thanh tra.
13. Cục Công nghệ thông tin.
14. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán.
15. Tạp chí Chứng khoán.
Các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến Khoản 13 Điều này là tổ chức hành chính giúp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định tại Khoản 14 và Khoản 15 Điều này là đơn vị sự nghiệp.
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự chỉ đạo về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính. Thanh tra Chứng khoán có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Như vậy, theo quy định trên thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có 2 đơn vị sự nghiệp, cụ thể:
(1) Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán.
(2) Tạp chí Chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có được xử lý các vi phạm pháp luật của hiệp hội chứng khoán hay không?
Căn cứ khoản 12 Điều 2 Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
...
9. Thực hiện công tác thống kê, dự báo về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; tổ chức quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
10. Tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức quản lý chứng khoán và nhân viên hành nghề chứng khoán; phổ cập kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho công chúng.
11. Thực hiện hợp tác quốc tế, xây dựng và triển khai chính sách hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.
12. Hướng dẫn, kiểm tra các hiệp hội chứng khoán trong thực hiện mục đích, tôn chỉ và Điều lệ hoạt động; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của các hiệp hội chứng khoán theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.
13. Thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
14. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, theo quy thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của các hiệp hội chứng khoán theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.