Từ vụ việc cháy quán karaoke, khi phát hiện ra cháy nhưng không truy hô dẫn đến chết người thì có phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không?
- Từ vụ cháy quán karaoke, khi phát hiện ra cháy nhưng không truy hô dẫn đến chết người thì có phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không?
- Từ vụ cháy quán karaoke, khi phát hiện ra cháy thì phải thông báo cháy cho ai?
- Thẩm quyền và thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy thuộc về ai? Trong tình huống khẩn cấp để chữa cháy cần điều động lực lượng ngoài phạm vi quản lý thì phải làm thế nào?
Từ vụ cháy quán karaoke, khi phát hiện ra cháy nhưng không truy hô dẫn đến chết người thì có phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không?
Cháy quán karaoke (Hình từ Internet)
Đầu tiên, như trường hợp anh nói thì người phát hiện ra việc cháy quán karaoke nếu không truy hô, báo cháy thì đám cháy có thể bùng lên và gây nguy hiểm cho người khác. Vấn đề này không chỉ nằm ở việc tình nghĩa hay lòng tốt mà còn nằm ở trách nhiệm của công dân.
Trong trường hợp này, người phát hiện ra cháy nhưng không truy hô là thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, trường hợp người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Hơn thế nữa, trong trường hợp dẫn đến hậu quả nhiều người trở lên chết có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 07 năm và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Từ vụ cháy quán karaoke, khi phát hiện ra cháy thì phải thông báo cháy cho ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy như sau:
Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy
1. Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết và báo cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây:
a) Đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy;
b) Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;
c) Chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy.
2. Cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý thì phải nhanh chóng đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy.
3. Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy cháy để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy; đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý để xem xét, quyết định điều động lực lượng, phương tiện đến chữa cháy khi có yêu cầu phối hợp.
4. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy phải tìm mọi biện pháp phù hợp để cứu người, ngăn chặn cháy lan và chữa cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
5. Lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tự vệ, cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan khác có liên quan có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, trong trường hợp phát hiện cháy quán karaoke thì người phát hiện ra cháy đó có trách nhiệm phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết và báo cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây:
- Đội dân phòng hoặc đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy;
- Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;
- Chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy.
Thẩm quyền và thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy thuộc về ai? Trong tình huống khẩn cấp để chữa cháy cần điều động lực lượng ngoài phạm vi quản lý thì phải làm thế nào?
Căn cứ vào quy định tại Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về thẩm quyền và thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy như sau:
- Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy:
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
+ Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện, tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
+ Giám đốc Công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Công an thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định;
+ Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện, tài sản đó biết;
+ Bộ trưởng Bộ Công an được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi cả nước. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện và tài sản đó biết.
- Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy:
+ Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy phải được thể hiện bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy (Mẫu số PC20); trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người ra lệnh huy động bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, đồng thời phải nêu rõ căn cứ huy động và yêu cầu về người, phương tiện, tài sản cần huy động, thời gian, địa điểm tập kết;
+ Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy báo cáo đề xuất và được người có thẩm quyền huy động đồng ý thì được phép huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để chữa cháy nhưng sau đó phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản.
Trong trường hợp cần thiết phải điều động lực lượng ngoài phạm vi do mình quản lý để chữa cháy thì người có trách nhiệm phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
Không yêu cầu phải ra quyết định bằng văn bản ngay tại thời điểm đó, nhưng sau khi hoàn thành chữa cháy phải ban hành quyết định huy động bằng văn bản.
Báo cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà. Để giảm thiểu thiệt hại cho những vụ cháy, giảm bớt phần nào thương đau cho những người khác thì mọi người, mọi nhà phải cùng chung tay, có ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.