Từ 2025 hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy bị xử phạt bao nhiêu?
- Hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang chạy có bị có vi phạm pháp luật?
- Từ 2025 hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy bị xử phạt bao nhiêu?
- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy không?
Hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang chạy có bị có vi phạm pháp luật?
Căn cứ theo khoản 21 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
20. Đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường bộ; rải vật sắc nhọn, đổ chất gây trơn trượt trên đường bộ; làm rơi vãi đất đá, hàng hóa, vật liệu xây dựng, phế thải trên đường bộ; đổ, xả thải, làm rơi vãi hóa chất, chất thải gây mất an toàn giao thông đường bộ.
21. Cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ.
22. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
...
Như vậy, từ năm 2025 hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị pháp luật nghiêm cấm.
Từ 2025 hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy bị xử phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Từ 2025 hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo điểm c khoản 6 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
...
5. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe;
b) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
6. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ;
b) Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông đường bộ để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông đường bộ;
c) Cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ;
d) Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; để xe, trông, giữ xe.
...
Theo đó, đối với hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang chạy sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện.
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện giao thông đang chạy không?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 41 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
2. Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:
a) Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36;
b) Khoản 1, điểm a khoản 3, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 37;
c) Điều 38;
d) Điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 1; điểm a khoản 2; điểm a, điểm b, điểm c khoản 3; điểm d khoản 4; khoản 8 Điều 39.
...
Căn cứ theo khoản 4 Điều 43 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh bao gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 (trừ điểm c, điểm d khoản 3 Điều 3) của Nghị định này.
...
Theo đó, theo phân định thẩm quyền xử phạt thì Trưởng phòng Cảnh sát giao thông sẽ có thẩm quyền phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với người có hành vi vi phạm.
Do đó, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông sẽ có thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang chạy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.