Trường mầm non được tổ chức với các loại hình nào? Trường mầm non được phép thành lập bao nhiêu tổ chuyên môn?
Trường mầm non được tổ chức với các loại hình nào?
Căn cứ vào Điều 4 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định về các loại hình tổ chức của trường mầm non như sau:
"Điều 4. Các loại hình của trường mầm non
1. Trường mầm non công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.
2. Trường mầm non dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
3. Trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động."
Như vậy, ta thấy trường mầm non được tổ chức với hình thức trường mầm non công lập và trường mầm non tư thục.
Loại hình tổ chức trường mầm non
Trường mầm non có nhiệm vụ và quyền hạn khi hoạt động như thế nào?
Trong tổ chức hoạt động, trường mầm non có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 3 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT như sau:
- Xây dựng phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường.
- Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Chủ động đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường công lập; quản lý, sử dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định. Công bố công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
- Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của nhà trường trong quản lý hoạt động giáo dục.
- Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; quản lý trẻ em; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trong phạm vi được phân công; thực hiện hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non khác trên địa bàn nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục theo phân công của cấp có thẩm quyền.
- Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa.
- Tham mưu với chính quyền, phối hợp với gia đình hoặc người chăm sóc trẻ em và tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động phù hợp trong cộng đồng.
- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ta thấy trường mầm non khi hoạt động có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định nêu trên.
Trường mầm non được thành lập bao nhiêu tổ chuyên môn?
Căn cứ Điều 13 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định về tổ chuyên môn của trường mầm non như sau:
- Tổ chuyên môn gồm giáo viên theo khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; nhân viên nấu ăn. Mỗi tổ có ít nhất 03 thành viên, có tổ trưởng; nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có 01 tổ phó.
- Nhiệm vụ của tổ chuyên môn:
+ Căn cứ kế hoạch của nhà trường, xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
+ Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; quản lý sử dụng tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường;
+ Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non; tham gia đánh giá, xếp loại nhân viên theo quy định.
- Tổ chuyên môn sinh hoạt định kỳ ít nhất hai tuần một lần theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển năng lực chuyên môn.
Và tại điểm d khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ của hiệu trưởng trường mầm non có quy định hiệu trưởng trường mầm non có quyền thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Như vậy, dựa theo các quy định trên, ta thấy hiệu trưởng trường mầm non có thẩm quyền thành lập các tổ chuyên môn của trường mầm non. Theo đó, pháp luật không có quy định giới hạn số lượng các tổ chuyên môn được thành lập ở trường mầm non mà dựa theo thẩm quyền quyết định của hiệu trưởng trường mầm non.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.