Trường hợp phải thông báo tập trung kinh tế nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Các hình thức tập trung kinh tế hiện nay?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 thì tập trung kinh tế được quy định như sau:
Các hình thức tập trung kinh tế
1. Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:
a) Sáp nhập doanh nghiệp;
b) Hợp nhất doanh nghiệp;
c) Mua lại doanh nghiệp;
d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
đ) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
2. Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
3. Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
4. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
5. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
Như vậy, hiện nay các quy định của pháp luật không định nghĩa về tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các hình thức tập trung kinh tế bao gồm:
- Sáp nhập doanh nghiệp;
- Hợp nhất doanh nghiệp;
- Mua lại doanh nghiệp;
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
- Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Khi nào doanh nghiệp cần thông báo tập trung kinh tế? (Hình từ Internet)
Khi nào doanh nghiệp cần thông báo tập trung kinh tế?
Căn cứ vào Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018 về thông báo tập trung kinh tế
Thông báo tập trung kinh tế
1. Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 34 của Luật này trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
2. Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
b) Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
d) Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Đồng thời, theo Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế
Chủ thể | Tổng tài sản | Tổng doanh thu bán ra/ doanh số mua vào | Giá trị doanh dịch | Thị phần kết hợp |
Doanh nghiệp (trừ 3 chủ thể dưới đây) | đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | từ 1.000 tỷ đồng trở lên | từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế |
Doanh nghiệp bảo hiểm | đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | từ 3.000 tỷ đồng trở lên | |
Công ty chứng khoán | đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | từ 3.000 tỷ đồng trở lên | |
Tổ chức tín dụng | đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế | từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế |
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp doanh nghiệp đều phải thông báo khi thực hiện hành vi tập trung kinh tế.
Chỉ khi doanh nghiệp thuộc ngưỡng quy định của một trong bốn tiêu chí (i) tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; (ii) tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; (iii) giá trị giao dịch; (iv) thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia thì doanh nghiệp phải thực hiện việc thông báo.
Chế tài đối với hành vi không thông báo tập trung kinh tế được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 14 Nghị định 75/2019/NĐ-CP hành vi không thông báo tập trung kinh tế
Phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 33 của Luật Cạnh tranh.
Như vậy, khi thuộc trường hợp phải thông báo tập trung kinh tế nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện thì sẽ bị phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.