Trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn thì bên cho thuê có phải thông báo và bố trí cho bên thuê chỗ ở khác không?

Tôi là chủ nhà cho thuê đang muốn thực phá dỡ để xây dựng lại nhà ở. Tôi có một số thắc mắc là pháp luật quy định những trường hợp nào được phá dỡ nhà ở? Trách nhiệm và yêu cầu khi tiến hành hoạt động này như thế nào? Trường hợp tôi phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê của bên thuê vẫn còn thì tôi có phải thông báo và bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ này không? Mong nhận được giải đáp, xin cảm ơn.

Phá dỡ nhà ở có phải là quản lý nhà ở không?

Theo Điều 75 Luật Nhà ở 2014 quy định về nội dung của hoạt động quản lý, sử dụng nhà ở như sau:

- Lập, lưu trữ và quản lý hồ sơ về nhà ở.

- Bảo hiểm nhà ở.

- Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử.

- Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

- Bảo hành, bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà ở.

Theo quy định trên, ta thấy phá dỡ nhà ở là một trong các hình thức thuộc nội dung quản lý nhà ở.

Được phá dỡ nhà ở trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 92 Luật Nhà ở 2014 quy định về các trường hợp được tiến hành phá dở nhà ở như sau:

"Điều 92. Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ
1. Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.
2. Nhà ở thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.
3. Nhà ở thuộc diện phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng."

Như vậy được phá dỡ nhà ở trong các trường hợp nêu trên.

Trách nhiệm và yêu cầu khi tiến hành phá dỡ nhà ở được quy định như thế nào?

* Trách nhiệm phá dỡ nhà ở được quy định tại Điều 93 Luật Nhà ở 2014 như sau:

- Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở có trách nhiệm phá dỡ nhà ở; trường hợp phải giải tỏa nhà ở để xây dựng lại nhà ở mới hoặc công trình khác thì chủ đầu tư công trình có trách nhiệm phá dỡ nhà ở.

- Chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện việc phá dỡ nhà ở nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về xây dựng phá dỡ.

- Trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới thì còn phải thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VII của Luật này.

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc phá dỡ nhà ở trên địa bàn.

* Yêu cầu khi phá dỡ nhà ở được quy định tại Điều 94 Luật Nhà ở 2014 như sau:

- Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.

- Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.

- Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc diện không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.

- Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở nằm trong khu dân cư trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.

Căn cứ quy định trên, việc phá dỡ nhà ở phải đảm bảo các trách nhiệm và tuân thủ yêu cầu theo quy định.

Trách nhiệm của bên cho thuê trong trường hợp phá dỡ nhà cho thuê

Phá dỡ nhà ở trong thời hạn thuê thì có phải thông báo và bố trí cho bên thuê chỗ ở khác không?

Theo Điều 97 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc phá dỡ nhà ở đang cho thuê như sau:

- Bên cho thuê nhà ở phải thông báo việc phá dỡ bằng văn bản cho bên thuê biết ít nhất là 90 ngày trước khi thực hiện phá dỡ, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phá dỡ theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn thì bên cho thuê có trách nhiệm bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại nhà ở, trừ trường hợp bên thuê thỏa thuận tự lo chỗ ở. Sau khi xây dựng xong nhà ở, bên thuê được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê không có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó; trường hợp bên thuê tự lo chỗ ở thì không phải trả tiền thuê nhà ở trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại, thời gian phá dỡ và xây dựng lại không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở.

Như vậy, theo quy định trên, ta thấy trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn thì bên cho thuê có trách nhiệm thông báo việc phá dỡ bằng văn bản cho bên thuê biết ít nhất là 90 ngày trước khi thực hiện phá dỡ (trừ trường hợp khẩn cấp) và phải bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại nhà ở theo quy định.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Trần Thị Huyền Trân Lưu bài viết
1,356 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào