Trường hợp nào thì được hoãn chấp hành hình phạt tù? Thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định như thế nào?

Người nhà em bị toà xử tội đánh bạc, đã xử phúc thẩm án 2 năm 3 tháng, nhưng hiện bị tiểu đường phải xuống bệnh viện nhập viện điều trị, gia đình muốn hỏi thủ tục và điều kiện cụ thể hồ sơ bệnh án nặng mức độ nào và thủ tục giấy tờ gửi cơ quan nào để xin được hoãn thi hành án và ở nhà điều trị, hiện tại toà chưa gửi bản án, mới xử xong cách đây 1 tuần, toà án ngoài Đà Nẵng xử phúc thẩm? Câu hỏi của bạn Nghĩa từ Quảng Nam.

Trường hợp nào thì được hoãn chấp hành hình phạt tù?

Tại Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 có nêu về các trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù như sau:

Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
...

Như vậy, sẽ xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên.

Trường hợp nào thì được hoãn chấp hành hình phạt tù?

Trường hợp nào thì được hoãn chấp hành hình phạt tù? (Hình từ Internet)

Đang chấp hành hình phạt tù mà phát hiện mình mắc bệnh nặng có được hoãn chấp hành hình phạt tù không?

Căn cú theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 thì việc hoãn chấp hành hình phạt tù thì chỉ áp dụng với trường hợp người phạm tội mới chỉ bị xử phạt hình phạt tù, chưa chấp hành hình phạt trên thực tế.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT hướng dẫn chi tiết về việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù:

Điều kiện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
a) Phạm nhân bị bệnh nặng đến mức không thể tiếp tục chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, do đó, cần thiết phải cho họ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để có điều kiện chữa bệnh, trừ người không có thân nhân hoặc không có nơi cư trú rõ ràng.
Người bị bệnh nặng quy định tại khoản này là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như:
Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng;

Theo đó, nếu trong trường hợp người thân của anh mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền trong thời gian chấp hành hình phạt tù thì người thân của anh có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ hình phạt tù được quy định ra sao?

Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ hình phạt tù được nêu tại Điều 36 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định như sau:

1. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định như sau:
a) Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
c) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.
2. Cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.
4. Việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do người đã kháng nghị quyết định.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền trong việc đề nghị tạm đình chỉ hình phạt tù bao gồm:

+ Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt Lưu bài viết
26,694 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào