Trường hợp nào phải từ chối, thay đổi hòa giải viên? Trình tự tiến hành phiên hòa giải theo quy định mới nhất hiện nay như thế nào?
Thời hạn tiến hành hòa giải tại tòa án là bao lâu?
Tại Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
“Điều 20. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
2. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.”
Như vậy, thời hạn tiến hành hòa giải tại tòa án là 20 ngày kể từ ngày hòa giải viên được chỉ định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thời hạn này có thể được kéo dài thêm, cụ thể:
- Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày;
- Trường hợp các bên thỏa thuận thống nhất kéo dài thời hạn với nhau thì thời hạn này có thể được kéo dài thêm nhưng không được quá 02 tháng.
Trường hợp nào phải từ chối, thay đổi hòa giải viên? Trình tự tiến hành phiên hòa giải theo quy định mới nhất hiện nay như thế nào?
Trường hợp nào phải từ chối, thay đổi hòa giải viên tòa án?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về việc từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi hòa giải viên như sau:
“1. Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;
b) Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;
c) Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;
d) Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
đ) Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật này.”
Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi:
- Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;
- Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;
- Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;
- Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
- Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Việc tiến hành phiên hòa giải tại tòa án được quy định như thế nào?
Theo Điều 24 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, việc tiến hành phiên hòa giải tại Tòa án được quy định như sau:
- Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.
- Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình, thức khác thuận tiện cho các bên.
Việc hòa giải tại tòa án được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, trình tự phiên hòa giải tại Tòa án được thực hiện như sau:
(1) Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.
(2) Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
(3) Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
(4) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
(5) Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.
(6) Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 23 của Luật này để hỗ trợ các bên trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
(7) Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.
Như vậy, theo quy định mới nhất hiện nay việc hòa giải tại tòa án được thực hiện theo trình tự quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.