Trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội và trường hợp nào không phải đóng bảo hiểm xã hội?
Trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội?
Căn cứ theo quy định tại Mục 3 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH năm 2011 hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành như sau:
Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì công ty bạn và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
Còn đối với trường hợp công ty bạn và người lao động giao kết 1 hợp đồng thử việc riêng thì sẽ không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.
Thời gian thử việc tối đa đối với người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà người lao động sẽ có thời gian thử việc tối đa theo quy định trên.
Bảo hiểm xã hội
Thử việc có được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động không?
Căn cứ theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định cụ thể:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Theo đó, chỉ có thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho công ty bạn thì mới được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm theo quy định pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.