Trường hợp làm mất chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên có được cấp lại chứng chỉ hay không?

Giáo viên sau khi tham gia chương trình bồi dưỡng thường xuyên sẽ được xếp loại kết quả hoàn thành chương trình như thế nào? Trường hợp bị mất chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên có được cấp lại chứng chỉ mới không? Câu hỏi của chị Nhàn từ TP.HCM

Giáo viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên được xếp loại kết quả như thế nào?

Căn cứ Điều 11 Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT quy định về xếp loại kết quả đối với giáo viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên như sau:

Đánh giá và xếp loại kết quả BDTX
1. Đánh giá việc vận dụng kiến thức BDTX vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh; thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đánh giá thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm (đối với các nội dung lý thuyết), bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch (đối với nội dung thực hành) đảm bảo đáp ứng yêu cầu về mục tiêu, yêu cầu cần đạt và nội dung Chương trình BDTX và quy định tại Quy chế này.
2. Bài kiểm tra lý thuyết, thực hành chấm theo thang điểm 10 và đạt yêu cầu khi đạt điểm từ 05 trở lên.
3. Xếp loại kết quả:
a) Hoàn thành kế hoạch BDTX: Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX khi thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng; hoàn thành đủ các bài kiểm tra với kết quả đạt yêu cầu trở lên theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Không hoàn thành kế hoạch BDTX: Giáo viên, cán bộ quản lý không đáp ứng được các yêu cầu tại điểm a Khoản này.
4. Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX thì được cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch BDTX. Kết quả đánh giá BDTX được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.

Theo đó, giáo viên tham gia chương trình bồi dưỡng thường xuyên được xếp loại kết quả như sau:

- Hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên: Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyênkhi thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng; hoàn thành đủ các bài kiểm tra với kết quả đạt yêu cầu trở lên theo quy định.

- Không hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên: Giáo viên, cán bộ quản lý không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình bồi dưỡng.

Bồi dưỡng thường xuyên

Bồi dưỡng thường xuyên (Hình từ Internet)

Trường hợp làm mất chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên có được cấp lại chứng chỉ hay không?

Căn cứ Điều 12 Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT quy định về việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên như sau:

Cấp chứng chỉ BDTX
Việc cấp chứng chỉ BDTX thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chứ.

Theo quy định thì việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về việc in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng như sau:

In, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng
1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được quyền in, cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao thực hiện. Mẫu chứng chỉ theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư này.
2. Chứng chỉ bồi dưỡng được cấp 01 lần cho học viên hoàn thành khóa học. Trường hợp chứng chỉ đã cấp cho học viên nhưng phát hiện có sai sót do lỗi của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu có trách nhiệm cấp lại cho học viên.
3. Trường hợp chứng chỉ bị mất, hư hỏng, người được cấp chứng chỉ đề nghị thì được cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng. Mẫu giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học theo quy định tại Phụ lục 02 Thông tư này.
4. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu lập sổ quản lý việc cấp chứng chỉ theo quy định hiện hành. Bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ trong cấp chứng chỉ. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ.

Đối với trường hợp giáo viên làm mất chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên cần đề nghị đối với cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng.

Mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học hợp lệ được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học như sau:

PHỤ LỤC 02
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HOÀN THÀNH KHÓA HỌC
(Kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức )
1. Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học được trình bày trong 1 trang giấy khổ A4 (210mm x 297mm).
2. Định lề Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học:
a) Lề trên: cách mép trên từ 20 - 25 mm;
b) Lề dưới: cách mép dưới từ 20 - 25 mm;
c) Lề trái: cách mép trái từ 30 - 35 mm;
d) Lề phải: cách mép phải từ 15 - 20 mm.
3. Kỹ thuật trình bày
a) Quốc hiệu
Quốc hiệu được trình bày chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên phải.
Dòng thứ nhất: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng chữ in hoa, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm;
Dòng thứ hai: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới dòng thứ nhất; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ.
b) Tên cơ quan, tổ chức cấp trên và tên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ sở đào tạo, nghiên cứu
Tên cơ quan, tổ chức cấp trên và tên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc cơ sở đào tạo, nghiên cứu được trình bày chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên trái.
Dòng thứ nhất: “TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP TRÊN” là cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ in hoa, đứng.
Dòng thứ hai: “TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG; CƠ SỞ ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU” được đặt canh giữa dưới dòng thứ nhất, ghi đầy đủ theo tên gọi chính thức trong văn bản pháp lý thành lập; trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm.
c) "GIẤY CHỨNG NHẬN" được canh giữa trang giấy; trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm.
d) Tiếp theo là các dòng “Chứng nhận ông, bà; Ngày, tháng, năm sinh; Đơn vị công tác; Đã hoàn thành chương trình; Từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm” được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa.
đ) Các dòng chữ ghi địa danh và ngày, tháng, năm cấp giấy chứng nhận được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải ghi thêm số 0 ở trước; sau địa danh có dấu phẩy.
e) Chức vụ, chữ ký, họ tên của người ký và dấu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được trình bày chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía dưới, bên phải. Chức vụ của người ký được trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 13, kiểu chữ in hoa, đứng, đậm. Họ tên của người ký được trình bày bằng chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm.
g) Số và lưu Giấy chứng nhận được được trình bày chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía dưới, bên bên trái; trình bày bằng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng.
h) Ảnh của người được chứng nhận dán góc trái dưới tên của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu và được đóng dấu giáp lai; cỡ ảnh 4cm x 6cm
4. Mẫu Giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học

Như vậy, mẫu Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học hợp lệ phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,300 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào