Trường hợp dán nhãn hiệu hàng hóa mua về từ thương nhân khác có vi phạm pháp luật hay không?
Nếu phân phối sản phẩm sản xuất trong nước thì có cần ghi nhãn hàng hóa không?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa như sau:
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
- Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
- Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.
Như vậy, nếu sản phẩm anh phân phối là sản phẩm sản xuất trong nước, nếu thời điểm nhận hàng từ nhà sản xuất và sản phẩm đã có gắn nhãn hàng hóa của nhà sản xuất thì anh không cần phải ghi bất cứ thông tin nào lên nhãn hàng hóa bởi vì công việc này do nhà sản xuất phải thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa.
Trường hợp dán nhãn hiệu hàng hóa mua về từ thương nhân khác có vi phạm pháp luật hay không?
Nếu phân phối sản phẩm sản xuất tại nước ngoài thì có cần ghi nhãn hàng hóa không?
(1) Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau:
"3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc."
(2) Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau:
"3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa."
Như vậy, nếu sản phẩm anh phân phối là sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, nếu tại thời điểm nhận hàng từ nhà sản xuất và sản phẩm đã có gắn nhãn hàng hóa của nhà sản xuất và không có nội dung tiếng Việt trên nhãn hàng hóa thì anh cần phải có nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Trường hợp nhãn hàng đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ được nhập về phân phối nhưng tự ý dán nhãn khác đem bán có vi phạm không?
(1) Về xử phạt vi phạm hành chính
- Tùy vào mức độ, hành vi xâm phạm mà công ty anh có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP)
(2) Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Điểm a, Điểm b Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định như sau
- Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
+ Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
+ Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
(3) Nếu gây thiệt hại cho bên chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật về sở hữu trí tuệ
Anh tham khảo tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019).
Như vậy, từ các căn cứ trên, nếu như bên anh mua sản phẩm của doanh nghiệp khác (công ty A, họ đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu) và muốn bán sản phẩm dưới dán nhãn của mình thì phải được bên bán đồng ý. Nếu anh chưa được sự đồng ý của bên bán mà đã tự dán nhãn đem bán dưới dạng là sản phẩm của công ty anh thì anh đang xâm phậm quyền sở hữu trí tuệ của công ty A.
Tùy vào mức độ, hành vi xâm phạm mà công ty anh có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Điểm a, Điểm b Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) và bồi thường thiệt hại theo Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019) cho công ty A nếu có.
Trường hợp, nếu như bên anh mua sản phẩm công ty A về và tiến hành sản xuất chế biến thành một sản phẩm mới thì anh có thể tự gắn nhãn công ty anh mà không vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.