Trường hợp Công ty nhập khẩu máy đo huyết áp thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5% hay 10%?
Trường hợp Công ty nhập khẩu máy đo huyết áp thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5% hay 10%?
Máy đo huyết áp (sphygmomanometer) được giải thích theo tiểu mục 3.2 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8333-2:2011 (ISO 81060-2:2009) là thiết bị điện y tế để ước lượng không xâm nhập huyết áp hệ thống động mạch.
Căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn 51358/CTHN-TTHT năm 2023 về thuế suất thuế giá trị gia tăng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành như sau:
"Trường hợp Công ty nhập khẩu thiết bị y tế thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5%.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ."
Dẫn chiếu theo quy định tại khoản 11 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 43/2021/TT-BTC) như sau:
Thuế suất 5%
...
11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.
...
Theo các quy định nêu trên thì trường hợp Công ty nhập khẩu máy đo huyết áp thì áp dụng mức thuế suất 5%.
Trường hợp Công ty nhập khẩu máy đo huyết áp thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5% hay 10%? (Hình từ Internet)
Cách xác định giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu máy đo huyết áp như thế nào?
Cách xác định giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu máy đo huyết áp được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
Giá tính thuế
...
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
...
Theo đó, giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu máy đo huyết áp là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Trường hợp hàng nhập khẩu máy đo huyết áp được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
Giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu máy đo huyết áp được xác định bằng đồng Việt Nam?
Giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu máy đo huyết áp được xác định bằng đồng Việt Nam quy định tại khoản 22 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
Giá tính thuế
...
22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.
Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
Lưu ý: Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.