Trước khi thực hiện thăm dò khoáng sản có phải thông báo kế hoạch thăm dò cho cơ quan nhà nước hay không?
Trước khi thực hiện thăm dò khoáng sản có phải thông báo kế hoạch thăm dò cho cơ quan nhà nước hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 42 Luật Khoáng sản 2010 quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
...
2. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nộp lệ phí cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện đúng Giấy phép thăm dò khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận;
c) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xem xét, chấp thuận trong trường hợp thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán;
d) Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra;
đ) Thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện;
e) Thu thập, lưu giữ thông tin về khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện các công việc khi Giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này;
h) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản có nghĩa vụ phải thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện anh nhé.
Thăm dò khoáng sản (Hình từ Internet)
Không thực hiện thông báo kế hoạch thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện thăm dò thì có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vấn đề này như sau:
Vi phạm các quy định về thông báo kế hoạch thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, điều kiện tổ chức thi công đề án thăm dò khoáng sản, các nghĩa vụ khi giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không thông báo bằng văn bản về kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản được thăm dò trước khi thực hiện, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản theo giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản theo giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) thì mức phạt tiền quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, tùy vào giấy phép thăm khoáng sản của tổ chức, cá nhân vi phạm do cơ quan nào cấp và tùy vào đối tượng vi phạm cụ thể thì hình thức xử phạt có thể sẽ khác nhau.
Như đối với hộ kinh doanh thì chỉ bị phạt cảnh cáo còn những đối tượng khác có thể sẽ bị phạt tiền từ 2 - 10 triệu đồng đối với tổ chức, đối với cá nhân mức phạt sẽ từ 1 - 5 triệu đồng.
Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Theo Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 và khoản 2 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về nguyên tắc hoạt động khoáng sản cụ thể như sau:
- Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.
- Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.