Trước khi hành nghề công chứng, công chứng viên có bắt buộc tham gia Hội công chứng viên không? Nếu không tham gia có bị xử phạt?
Trước khi hành nghề công chứng, công chứng viên có bắt buộc tham gia Hội công chứng viên không?
Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Hội công chứng viên
...
3. Hội viên của Hội công chứng viên là các công chứng viên hành nghề trên địa bàn. Các công chứng viên phải tham gia Hội công chứng viên trước khi đăng ký hành nghề công chứng ở những nơi đã có Hội công chứng viên.
Quyền và nghĩa vụ của hội viên Hội công chứng viên do Điều lệ Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên quy định.
Theo quy định nêu trên thì, trước khi đăng ký hành nghề công chứng, công chứng viên phải tham gia Hội công chứng viên ở những nơi đã có Hội công chứng viên.
Tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên (Hình từ Internet)
Hội công chứng viên có phải là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên?
Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Hội công chứng viên
1. Ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập một Hội công chứng viên là tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh của các công chứng viên hành nghề trên địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 của Luật Công chứng.
Hội công chứng viên được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Luật Công chứng, Nghị định này và Điều lệ Tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của công chứng viên.
Hội công chứng viên có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
...
Dẫn chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng 2014 như sau:
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.
...
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì Hội công chứng viên là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên được thành lập ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công chứng viên không tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên thì có thể bị xử phạt ra sao?
Theo điểm g khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;
b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;
c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;
d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;
đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;
e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;
g) Không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;
h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;
i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;
k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;
l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;
m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;
n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.
...
Như vậy, trường hợp công chứng viên không tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên (Hội công chứng viên) thì có thể bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.