Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì có được cưới vợ hay không? Chế độ nghỉ phép về thăm gia đình của quân nhân tại ngũ thế nào?
Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì có được cưới vợ hay không?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, số lần và thời điểm gọi công dân nhập ngũ được quy định cụ thể như sau:
"Điều 33. Số lần, thời điểm gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong năm
Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân."
Như vậy, chỉ có tháng hai hoặc tháng ba, công dân mới được gọi nhập ngũ. Hiện nay, thông thường các năm trước, sau dịp Tết Nguyên đán, các địa phương sẽ tổ chức lễ giao - nhận quân để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do đó, có thể thấy, lịch giao nhận quân sẽ không trùng với dịp nghỉ Tết.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chỉ có những trường hợp sau đây mới bị cấm kết hôn:
- Kết hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Do đó, việc đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự không phải trường hợp bị cấm kết hôn.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, việc trúng tuyển nghĩa vụ quân sự không ảnh hưởng đến việc cấm kết hôn. Việc kết hôn hoàn toàn tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì có được cưới vợ hay không không? (Hình từ Internet)
Chế độ nghỉ phép về thăm gia đình của quân nhân tại ngũ thế nào?
Tại Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ nghỉ phép của quân nhân tại ngũ như sau:
"Điều 3. Chế độ nghỉ phép đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
3. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.
4. Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành."
Vậy theo quy định này khi nhập ngũ đủ 13 tháng thì quân nhân tại ngũ sẽ được nghỉ phép hằng năm, mỗi năm nghỉ 10 ngày không kể thời gian đi và về.
Ngoài ra nếu gia đình không may mắn gặp thiên tại, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ, vợ, con có một trong số đó qua đời, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ có thành tích xuất sắc thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian sẽ không quá 05 ngày.
Thân nhân của quân nhân tại ngũ có được hưởng chính sách hỗ trợ gì hay không?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 27/2016/NĐ-CP thì thân nhân của quân nhân tại ngũ được hưởng trợ cấp trong các trường hợp sau:
"Điều 6. Chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
1. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau đây:
a) Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần;
b) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần;
c) Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại điểm a Khoản này được thực hiện không quá 02 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ; chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại Điểm b Khoản này được thực hiện không quá 02 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ;
d) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
2. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021."
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 27/2016/NĐ-CP thì thân nhân được hưởng trợ cấp (nếu có) của quân nhân tại ngũ bao gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của quân nhân tại ngũ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.